Mới đây, JVevermind (JV - tên thật là Trần Đức Việt, sinh năm 1992) bất ngờ comeback với video có tiêu đề: “Mạng xã hội không còn vui nữa”. Sự trở lại của vlogger đời đầu nhanh chóng thu hút sự chú ý từ netizen, đặc biệt là 9X - thế hệ đã trưởng thành cùng MXH giống như JV.

JV khơi lên câu chuyện "Mạng xã hội không còn vui nữa"
Ngoài sự đồng tình với quan điểm của JV, cư dân mạng cũng ôn lại kỷ niệm xưa - thời điểm mà họ thấy MXH vẫn còn vui. Vậy cõi mạng ngày xưa, nhất là hồi JV ở đỉnh cao có gì vui? Tại sao người ta lại cảm thấy MXH bây giờ bớt vui?
MXH đã từng như thế này…
Không có sự phân định rạch ròi hay cột mốc đáng kể nào để phân biệt MXH xưa và nay. Nhưng dường như người ta vẫn ngầm mặc định giai đoạn các vlogger đời đầu bắt đầu “lụi tàn” (khoảng năm 2015) trở về trước là xưa.
Thời điểm đó, Facebook lên ngôi, chiếm ưu thế trên “bản đồ” MXH. Người ta đã bắt đầu biết “câu like” nhưng chưa nhằm mục đích bán hàng online mà có phần vô tri hơn với những câu nói như: "Thả tim đi rồi nói chuyện tiếp", "Ai like status này sẽ có người yêu trong vòng 24h", "Đừng like, thả tim cơ", "Hôm nay buồn quá, ai an ủi mình không?", "Trời mưa, nhớ crush",...Những status này sẽ được viết bằng teencode và trở thành “đặc sản” của thế hệ 9X, khiến người ta rùng mình mỗi khi xem lại “ngày này năm xưa” của chính mình.
Nhưng bùng nổ nhất trong giai đoạn này chính là YouTube với thời vàng son của các vlogger, nhóm hài và nhạc chế.
Đại diện cho nhóm vlogger thích bày tỏ ý kiến, sẵn sàng phản biện để bảo vệ quan điểm là các vlogger đời đầu như JVevermind, Toàn Shinoda, An Nguy, duhocsinhmy, Huyme,...

Những vlogger đình đám hồi đó
Họ là chủ nhân của những video YouTube dài khoảng 5 - 10 phút, có nội dung hài hước nhưng cũng rất sâu sắc, chia sẻ quan điểm cá nhân, phản ánh đời sống giới trẻ - nhất là 9X. Vì vậy họ có tác động cực kỳ mạnh mẽ đến lứa 9X ở thời điểm đó, thậm chí còn được xem là điển hình cho một thế hệ.
Những vlog này quay dựng đơn giản nhưng lại được đầu tư về mặt nội dung, không bị bão hoà. Họ cũng có những trận battle video và ghi rõ ràng ở tiêu đề rằng muốn đáp trả ai bằng cách bắt đầu với chữ [Re] (tức là reply - trả lời). Lúc đó người xem háo hức chờ từng video phản biện mới, comment rôm rả bằng teencode, không khí sôi động nhưng không bị toxic.
Về phía các nhóm hài và nhạc chế cũng là những cái tên đình đám một thời như BB&BG, DAMtv, FAPtv, Phở Đặc Biệt - Ngọc Thảo, Vanh Leg, Củ Tỏi,... Mỗi video của họ đều có nét thú vị riêng, khiến cộng đồng mạng cười nghiêng ngả.

Nhiều trào lưu và thử thách xuất hiện, tạo nên cơn sốt toàn cầu, trong đó có Việt Nam như: chụp ảnh kiểu Follow Me To - Nắm tay em đi khắp thế gian, Ice Bucket Challenge - dội nước đá, hỏi đáp cùng Ask.fm, selfie - chụp ảnh tự sướng, nhảy Gangnam Style,...
Và sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua các drama trong giai đoạn này. Đó là những ồn ào tình ái chia tay - tái hợp nổ trời của các hot boy, hot girl mà hầu hết trong số đó hiện đã yên bề gia thất. Đó là phát ngôn gây sốc, các hiện tượng mạng không ai hiểu vì sao lại nổi tiếng như Bà Tưng, Lệ Rơi,...




Bà Tưng năm 2013
Còn rất nhiều đáng nói khác nhưng nhìn chung, thời điểm này không có quá người nổi tiếng nên cũng ít va chạm và ít drama, không quảng cáo ngập mặt, không video ngắn dạng “mì ăn liền”,...
MXH không còn vui nữa hay 8X, 9X từng trải hơn nên góc nhìn thay đổi?
Câu trả lời có lẽ là cả hai.
Netizen khoảng hơn chục trước năm trước chính là độ tuổi của teen, là "thế hệ cợt nhả" bây giờ. Họ vẫn còn đi học, chưa phải áp lực cơm áo gạo tiền nên lên MXH với tâm thế khác. Hiện tại phần lớn trong số họ đều đã có gia đình con cái, cuộc sống có nhiều gánh nặng hơn, cách nhìn sự vật sự việc cũng khác đi, thời gian lướt MXH ít hơn. Tóm lại là từng trải hơn nên góc nhìn thay đổi.
Ngay chính JVevermind cũng đưa ra 3 lý do khiến anh chàng thấy MXH không còn vui nữa, gồm: (1) Có quá nhiều content thuần mục đích phông bạt, câu like tương tác, đánh bóng tô vẽ bản thân để kiếm tiền, kiếm fame và lừa đảo; (2) Quá nhiều drama, phốt, những chuyện bất công, xấu xí bị vạch trần; (3) Quá nhiều bot - tài khoản ảo được ra lệnh đi comment dạo để định hướng dư luận.
Dưới đây là một số bình luận từ cư dân mạng về sự thay đổi của MXH cũng như chính bản thân mình ngày ấy - bây giờ:
- 10 năm trước 1 ngày 2 - 3 status, giờ chắc đếm trên đầu ngón tay.
- Ngày xưa 1 ngày 2 status, giờ 33 tuổi rồi, cả năm không có cái nào. Mình cũng cảm thấy càng ngày sự đố kỵ, soi mói, ghen ăn tức ở càng nhiều. Vậy nên, có chuyện gì mình cũng im lặng, vui cũng im, giờ đọc tin tức thôi.
- Giờ mở điện thoại ra toàn thấy phốt, drama, thiên tai, tai nạn… Kiểu đang vui vui lướt 1 hồi thấy những bài kiểu đó là lại thoát ra, không còn muốn xem nữa.
- Ngày xưa đi đâu, làm gì, đi với ai cũng chụp ảnh, check-in đăng Facebook. Bây giờ 2 - 3 tháng vui thì share cái tin, không thì cũng chẳng up. Nói chung đã nhận ra việc đăng lên mạng cuộc sống hàng ngày cũng không giải quyết được vấn đề gì. Ngoại trừ công việc liên quan đến MXH.
- Đỉnh cao thời mạng xã hội chắc hồi em cấp 2, thời có anh làm YouTube, lên mạng đôi khi không cần não vì chỉ là giải trí. Còn giờ toàn xoay quanh marketing, seeding, buôn bán, chán đời.
- Phải chờ chục năm để anh quay lại. Em xem vlog của anh từ hồi có Lung Thị Linh, không bỏ sót 1 tập nào. Hôm nay xem vlog này của anh cảm giác quá khứ ùa về luôn. Đúng đỉnh!
- Tôi vừa xem vừa tủm tỉm cười. Lâu lắm rồi mới thấy idol lên video, cảm giác vẫn nguyên vẹn như hơn chục năm trước xem vậy. Châm biếm 1 cách hài hước nhưng rất đúng. Mê chữ ê kéo dài!
Mạng xã hội (MXH) từng là một khái niệm mới mẻ, đầy thú vị và hấp dẫn để khám phá. Nhưng khi nó đã trở nên quá quen thuộc, hòa nhập sâu vào đời sống hàng ngày, cảm giác "vui vẻ" ban đầu dần phai nhạt cũng là điều dễ hiểu - giống như cách người ta hay nói "Tết ngày càng chán".
Tuy nhiên, mỗi người lại có một góc nhìn riêng. Có thể JVevermind hay một số người cảm thấy MXH không còn vui nữa, nhưng với nhiều người khác, nó vẫn mang lại niềm vui hoặc đơn giản là một trải nghiệm trung lập. MXH giờ đây không chỉ là nơi giải trí thuần túy, mà đã trở thành một không gian đa chiều, tích hợp nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, hãy sử dụng MXH theo cách mà bạn thấy phù hợp và thoải mái nhất.
S.A (Tổng hợp)