Khi lương tâm bán giá bao nhiêu?
“Muốn biết một dân tộc có tử tế hay không, hãy nhìn vào cách họ bán… sữa” - một người bạn ngoại quốc chia sẻ với tôi. Thật lòng mà nói, tôi không đồng tình lắm với câu nói này bởi không thể đồng hóa bằng việc “con sâu làm rầu nồi canh”.
Trong những ngày qua, người dân cả nước đang rất vui mừng với chính sách cải cách toàn diện, triệt để và mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước hướng tới kỷ nguyên vươn mình như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kêu gọi. Có những chính sách đi vào lòng người một cách đầy nhân văn như: bãi bỏ quy định nơi khám chữa bệnh ban đầu đối với người dân tham gia BHYT, thay đổi địa giới hành chính không tạo thêm nghĩa vụ cho người dân và doanh nghiệp khi mà chuyển đổi số đã được ứng dụng vào quản lý Nhà nước. Chính ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại rất nhiều hiệu quả rõ rệt: chưa bao giờ người nộp thuế nhận được quyết định hoàn thuế chỉ trong không quá 8h đồng hồ như trường hợp vào ngày 16/4/2025 vừa qua.

Trước đây, chúng ta từng cười cợt chuyện nước hoa giả, túi xách fake, điện thoại nhái… nhưng sữa - thứ mà mỗi ngày hàng triệu trẻ em sử dụng mà cũng giả thì không còn là trò đùa nữa. Nó là một “vết nhơ” lên lương tâm tập thể, một cú tát thẳng vào “ý chí lớn mạnh vì tương lai trẻ em” mà nhiều doanh nghiệp hô vang như quốc ca trong mỗi buổi họp. Câu chuyện sữa giả được sản xuất từ tháng 4/2021 và đến nay đã thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng mới bị phát hiện ra, phải chăng có bàn tay vô hình của “vị thần siêu năng lực” nào đó tạo ra hay là kết quả từ ma lực của đồng tiền và sự tha hóa đạo đức?
Và rồi, câu chuyện của một công ty sữa bị phát hiện sản xuất hàng nghìn lít “sữa” không hề có… sữa, khiến chúng ta tự hỏi: Nếu đạo đức là thước đo thành công, thì cái thước ấy giờ chắc đang nằm trong lò gạch!
Theo báo cáo đã được công bố, công ty này sản xuất hàng loạt “sữa” từ nước, đường hóa học, hương liệu và vài “giọt tâm linh” được thổi phồng - thứ tạo nên “hồn” để người tiêu dùng bị che mắt và tin bất chấp sản phẩm của họ sản xuất, được phân phối vào các trường học, bệnh viện, và điểm bán lẻ khắp nơi. Một sản phẩm được PR là “giàu dinh dưỡng, phát triển chiều cao, sáng mắt, bổ não” nhưng thật ra chỉ làm một thứ: béo túi nhà sản xuất.
Cái giá của việc làm ngơ
Không thể có một hệ sinh thái chừng ấy công ty trong chuỗi sản xuất và cung ứng sữa giả nếu không có những người biết mà im lặng, kiểm định mà tặc lưỡi, người bán lẻ mà nhắm mắt. Dù cho bán lẻ hay bán buôn thì trước khi tìm hiểu phân phối sản phẩm ra thị trường, người bán đều phải tìm hiểu kỹ về nó như câu nói “người mua lầm chứ người bán không lầm”. Tất nhiên, chúng ta không loại trừ trường hợp người tiêu dùng dể dãi hoặc dân trí chưa cao, điều kiện chưa có để họ có thể thẩm định được đâu là sữa thật đâu là sữa giả. Nhưng vì ma lực của đồng tiền mà họ bất chấp bỏ qua mọi chuẩn mực đạo đức. Một hệ thống đạo đức không sụp đổ vì một người, mà vì hàng loạt người cùng quay đi chỗ khác.
Vậy nên, nếu bạn từng tự hỏi: Ủa, sao người ta dễ lừa vậy? - thì câu trả lời nằm ngay trong bạn, nếu bạn cũng từng mua một hộp sữa vì... giá rẻ và bao bì bắt mắt. Nửa lít sữa thật giá 15.000 đồng, nhưng nửa lít “sữa giả” lại lời 150.000 đồng. Lòng tin và đạo đức, nếu có thể mua bán dễ dàng, chắc đã bị định giá rẻ mạt.
Và bạn biết không, có những thứ khi mất đi thì chẳng bao giờ mua lại được bằng tiền: lòng tin, sức khỏe, và tuổi thơ của một đứa trẻ.
Luật nhân quả không biết pha loãng
Bạn có thể giả mạo chất lượng. Bạn có thể giả mạo bao bì. Nhưng bạn không thể giả mạo nhân quả.
Một đứa trẻ uống “sữa” xong đi viện, tương lai bị rút ngắn vài năm. Một bà mẹ tin sữa tăng chiều cao, con vẫn thấp, tủi thân cả tuổi thơ. Một ông bố nghèo tin vào quảng cáo, mua cho con bằng cả tháng lương nhưng chỉ nhận lại nước đường pha hương vani.
Và rồi, đến một ngày, tòa án sẽ đến, hoặc tệ hơn - nhân quả sẽ đến, với cái giá không quy ra tiền được. Không phải 5 triệu, 10 triệu hay vài năm tù. Mà là cái giá của một đời bị người đời khinh bỉ.
Những câu chuyện nhãn tiền chúng ta đã thấy, hàng loạt doanh nhân từng là thần tượng của bao người đã phải khóc trên đống tiền mà họ bất chấp kiếm được đã phải lao vào vòng lao lý. Theo VNLAWS, tội sản xuất hàng giả, kém chất lượng, ngoài việc bị phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 6, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 3 đến 15 năm tù theo Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015, đồng thời vẫn có thể bị xử phạt lên đến 9 tỷ đồng.
Câu chuyện của doanh nghiệp sữa đã nêu không đơn giản là chuyện lừa đảo thực phẩm. Nó là tấm gương lớn phản chiếu những doanh nhân chỉ biết “doanh” mà không “nhân”. Là lời cảnh tỉnh cho những ai: vì chạy KPI, mà quên chạy lương tâm, vì tham số, mà quên giá trị con người. Sữa giả chỉ là một hiện tượng. Sự tha hóa đạo đức mới là vấn đề.
Muốn biết một doanh nghiệp đáng đầu tư hay không, đừng chỉ nhìn vào bảng cân đối kế toán. Hãy nhìn vào cách họ cư xử với những người không có quyền lực - trẻ em, người bệnh, và… người tiêu dùng.
(*) CEO Công ty TNHH Vietnam Tax Accounting Consultancy