Lời giải nào cho bài toán nhà ở xã hội tại các quận trung tâm TP.HCM?

Nhu cầu về nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại các khu vực trung tâm ở TP.HCM như Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5… là rất lớn. Tuy nhiên, do đặc thù về vị thế, quỹ đất, giá trị sử dụng đất nên việc phát triển nhà ở xã hội ở những quận này khó khả thi.

Do đặc thù về vị thế, quỹ đất, giá trị sử dụng đất nên việc phát triển nhà ở xã hội ở những quận trung tâm TP.HCM rất khó khả thi. Ảnh: Bảo Tín

Do đặc thù về vị thế, quỹ đất, giá trị sử dụng đất nên việc phát triển nhà ở xã hội ở những quận trung tâm TP.HCM rất khó khả thi. Ảnh: Bảo Tín

Theo báo cáo của Đoàn giám sát HĐND TP.HCM, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng nói trên ở Quận 1 là khá lớn, nhưng việc xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của quận này gặp nhiều khó khăn và hạn chế hơn so với các quận khác do Quận 1 là nơi được mệnh danh "tấc đất tấc vàng".

Tương tự, Quận 3 hiện nay cũng không có quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội nên rất khó khăn trong việc mời gọi nhà đầu tư thực hiện xây dựng loại hình nhà ở này.

Xa hơn một chút là Quận 4, dù nhu cầu nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội rất lớn, nhưng hiện quỹ đất trống để xây dựng nhà ở xã hội thì không còn.

Cũng như vậy, Quận 5 hiện không có quỹ đất công để phục vụ nhu cầu phát triển nhà ở xã hội. Trong khi đó, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nếu đầu tư vào lĩnh vực này thì chi phí sẽ rất cao, dẫn đến việc không có dự án nhà ở xã hội nào được triển khai.

Trước thực trạng này, gần đây, UBND Quận 1 đã kiến nghị TP.HCM bố trí nguồn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở Quận 1 tại các quận, huyện khác.

Đối với Quận 3, chính quyền quận này kiến nghị Thành phố sớm có chủ trương và các sở, ngành hỗ trợ Quận tổ chức điều chỉnh tổng thể Đồ án Quy hoạch xây dựng phân khu tỷ lệ 1/2.000, làm cơ sở cho việc định hướng xây dựng nhà ở xã hội sắp tới.

Ngoài ra, Quận 3 còn đề xuất Thành phố chỉ đạo tháo gỡ về các nguồn vốn cho phát triển nhà ở phục vụ tạm cư, tái định cư để từng bước xây dựng lại các khu chung cư cũ, hư hỏng.

Trong số chung cư dạng này có thể kể đến 11 lô chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Phường 1; chung cư 72 - 86 Trương Quyền và chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu…

Cùng chung "cảnh ngộ", lãnh đạo UBND Quận 4 cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội là cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, giá nhà ở xã hội hiện nay là quá cao so với khả năng chi trả của các đối tượng này.

Do đó, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp có thể mua được nhà ở với mức giá rẻ, phù hợp với thu nhập.

Riêng lãnh đạo UBND Quận 5 cho rằng, Thành phố nên có chính sách vận động, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp chuyển đổi một phần quỹ nhà tái định cư không còn nhu cầu sử dụng, một phần nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu việc bố trí nhà ở xã hội tại các chung cư cũ, hỏng (được xây dựng trước năm 1975) trên địa bàn Quận 5 khi được xây dựng lại.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho hay, từ năm 2015 đến nay, UBND Thành phố đã ban hành 20 quyết định giao đất cho các chủ đầu tư để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố có 91 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 210,4 ha; quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ với 6.678.730 m2 sàn xây dựng, trong đó có 79 dự án chuyển tiếp, 12 dự án mới.

Thế nhưng, để giải quyết bài toán về nhà ở xã hội ở Thành phố nói chung và những quận nội thành nói riêng là không hề đơn giản.

Vẫn theo bà Lệ, UBND TP.HCM cần quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các UBND quận, huyện, ban ngành nhằm hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần hoàn thiện chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần tham gia thực hiện “Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030”.

"Làm như vậy, doanh nghiệp được "một công đôi việc", vừa tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất thương mại thông thường, vừa chung tay tháo gỡ bài toán nhà ở xã hội cùng Thành phố", ông Châu nói.

Đương nhiên, để "đầu xuôi đuôi lọt", theo ông Châu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để tăng nguồn cung dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.

Bảo Tín