
* Dưới đây là chia sẻ dưới góc nhìn cá nhân của cô Phùng - giáo viên Trung Quốc có 25 năm kinh nghiệm giảng dạy, trên tờ Sohu.
Tôi đứng trên bục giảng suốt 25 năm, chứng kiến biết bao thế hệ học trò trưởng thành, mỗi đứa một số phận, một con đường riêng. Mỗi dịp lễ Tết, tôi lại lặng lẽ quan sát những gương mặt học trò trở về thăm trường. Có một điều khiến tôi trăn trở mãi, đó là những học sinh ngày xưa nghịch ngợm, bướng bỉnh, từng làm tôi đau đầu, lại hay ghé thăm tôi hơn so với những em học giỏi, ngoan ngoãn mà tôi từng đặt nhiều kỳ vọng. Vì sao lại như vậy?
Những học trò giỏi, ngày đó lúc nào cũng chăm chỉ, lễ phép, có ước mơ lớn. Các em bận rộn với việc học, rồi sau này là sự nghiệp. Tôi hiểu rằng khi đã bước vào đời, các em phải đối mặt với áp lực cơm áo gạo tiền, với tham vọng vươn xa, với những trách nhiệm lớn lao trên vai. Có thể, trong guồng quay của cuộc sống, việc về thăm thầy cô không phải là điều các em quên, mà chỉ là điều các em chưa có thời gian thực hiện. Nhiều em khi gặp lại tôi, vẫn ánh lên sự kính trọng, vẫn hỏi thăm bằng những lời chân thành, nhưng đôi khi, đó chỉ là một tin nhắn vội vàng qua mạng xã hội.

Còn những học sinh nghịch ngợm, các em từng khiến tôi không ít lần phải tức giận, phải nhắc nhở, thậm chí phải phạt. Nhưng điều đáng quý là, chính những lần bị la mắng ấy, các em lại nhớ đến tôi nhiều hơn. Những kỷ niệm không chỉ là những giờ giảng khô khan, mà còn là những lần tôi phạt đứng góc lớp, những buổi trò chuyện riêng sau giờ học, những cái nhíu mày nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương của tôi.
Những học sinh ấy khi ra đời, có thể không thành công vang dội như những bạn học giỏi, nhưng các em lại nhớ đến tôi bằng một cách rất đời thường. Một cuộc gọi bất ngờ, một chầu cà phê nhân dịp ngang qua trường, hay thậm chí là một lời mời ăn cưới đầy xúc động.
Nhìn lại, tôi nhận ra rằng, đôi khi chính những tình cảm gắn kết qua những lần trách mắng, nhắc nhở mới khiến các em cảm thấy gần gũi với tôi hơn. Bởi khi tôi nghiêm khắc với một học trò, có nghĩa là tôi quan tâm đến em ấy. Những học trò nghịch ngợm có lẽ hiểu rõ điều này hơn cả, và khi trưởng thành, các em trân trọng những bài học từ những ngày còn lông bông.
Tôi không trách những học trò giỏi ít quay về. Tôi tự hào về các em. Tôi biết các em đang ở những nơi xa, bận bịu với cuộc sống, với những mục tiêu lớn lao. Nhưng đôi khi, tôi vẫn mong nhận được một lời hỏi thăm, một tin nhắn đơn giản rằng: "Cô ơi, dạo này cô khỏe không?". Bởi suy cho cùng, người thầy không mong gì hơn ngoài việc biết rằng học trò của mình vẫn nhớ về mình, dù chỉ là một thoáng qua trong ký ức bận rộn.

Với những học sinh hay ghé thăm, tôi trân trọng từng khoảnh khắc đó. Có em giờ đã là một chủ tiệm nhỏ, có em là một anh thợ sửa xe, có em là người lao động bình thường. Các em có thể không giỏi xuất sắc ngày xưa, nhưng các em nhớ về tôi, về những kỷ niệm một thời. Và điều đó đối với tôi, đôi khi còn đáng quý hơn cả một tấm bằng danh giá.
Nghề giáo là vậy, không mong trò đền đáp, không mong trò quay về thường xuyên. Nhưng ai cũng có một góc nhỏ trong tim, nơi cất giữ những yêu thương giản dị. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến những học trò của tôi, dù các em có bận rộn thế nào, nếu có dịp, hãy ghé thăm thầy cô một lần. Một cuộc gọi, một tin nhắn, hay chỉ đơn giản là một lần bước qua cánh cổng trường cũ. Chỉ vậy thôi, cũng đủ để làm ấm lòng người thầy đã dành cả tuổi thanh xuân để dạy dỗ các em nên người.