Tháng 12/2020, người đàn ông họ Vương ở Hồ Bắc, Trung Quốc bất ngờ nhận được tin nhắn WeChat từ một người bạn thân họ Hà, nói rằng đang gặp khó khăn và muốn vay ông Vương 120.000 NDT (khoảng 430 triệu đồng) để giải quyết vấn đề khẩn cấp. Sau đó, người bạn này đã cung cấp cho ông Vương thông tin tài khoản, với người nhận họ Hà ở Ngân hàng Thương mại Nông thôn Trác Châu, Tỉnh Hà Bắc.
Nghĩ rằng bạn đang trong tình thế cấp bách mới phải vay tiền mình, ông Vương gom hết tiền bản thân đang có và vay mượn cả họ hàng để đủ tiền gửi cho bạn. Hôm sau, ông ra chi nhánh ngân hàng nói trên và chuyển hết 120.000 NDT (khoảng 430 triệu đồng) nói trên cho người bạn họ Hà.
Ngày tiếp theo đó, ông Vương chờ mãi vẫn không thấy bạn thông báo đã nhận được tiền. Lo lắng cho bạn, ông Vương liền gọi điện nhưng đầu dây bên kia không nhấc máy. Mãi đến chiều tối, ông Hà, bạn ông Vương gọi lại. Khi nghe ông Vương nhắc đến số tiền đã gửi, ông Hà vô cùng kinh ngạc và cho biết ông không hề nhắn tin mượn tiền bạn.
Lúc này, ông Vương nghi ngờ xem lại lịch sử tin nhắn trên WeChat thì phát hiện đã bị tài khoản kia chặn. Ngoài ra, ông quay lại ngân hàng để hỏi thì được giao dịch viên xác nhận đã chuyển thành công tiền vào tài khoản của "ông Hà" tại chính ngân hàng này.
Ông Vương không còn cách nào khác, đành nhờ con trai báo cáo sự việc với cảnh sát. Không những vậy, con trai ông Vương còn nộp đơn khởi kiện ngân hàng, yêu cầu bồi thường số tiền đã bị lừa. Tiền được gửi đi theo yêu cầu của khách hàng, rốt cuộc tại sao ngân hàng này lại bị kiện?

(Ảnh minh họa)
Gia đình ông Vương cho rằng, trong quá trình chuyển tiền, ông đã điền thông tin chuyển tiền của người thụ hưởng họ Hà và tài khoản của ông này vào “Phiếu gửi tiền”. Trước khi chuyển, ông kiểm tra lại tin nhắn với bạn mình trước đây và để tên ngân hàng nhận tiền là Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc.
Vì vậy, theo ông Vương, việc tắc trách của ngân hàng cũng là một phần lý do khiến ông bị mất 120.000 NDT một cách nhanh chóng. Nếu nhân viên giao dịch kiểm tra và thấy 2 tài khoản cùng họ cùng tên, nhưng khác chi nhánh ngân hàng, lẽ ra phải thông báo với khách hàng. Mặc dù thông tin chi nhánh ngân hàng không khớp, nhưng ngân hàng đã không xem xét và xác minh, mà chuyển thẳng tiền đi.
Theo điều tra của Tòa án Hà Bắc, những kẻ lừa đảo viễn thông đã sử dụng một tài khoản ngân hàng có cùng họ tên với ông Hà - bạn ông Vương. Tài khoản thật của ông Hà được mở ở Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, còn tài khoản của kẻ lừa đảo mở tại Ngân hàng Thương mại Nông thôn Trác Châu.
Khi ông Vương đến chi nhánh Ngân hàng Thương mại Nông thôn Trác Châu để gửi tiền, ông đã ghi biên lai chuyển khoản, ghi rõ tên người nhận họ Hà và ngân hàng nhận tiền là Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc. Vì vậy, ông Vương không hề nhận ra điều gì sai sót trong việc này.
Tòa án Hà Bắc cho rằng, ông Vương đã sai khi không xác minh tính xác thực của tin nhắn mượn tiền từ bạn mình, dẫn đến vướng vào thủ đoạn tinh vi của những kẻ lừa đảo. Vì vậy, ông phải chịu trách nhiệm về những hậu quả đã xảy ra sau khi gửi 120.000 NDT đi.
Bên cạnh đó, mặc dù phía ngân hàng đã xử lý việc chuyển tiền theo chứng từ giao dịch do người gửi điền. Tuy nhiên, khi thấy thông tin người nhận trong hệ thống không khớp với thông tin “giấy gửi tiền” của ông Vương, ngân hàng không thực hiện nghĩa vụ nhắc nhở khách hàng kiểm tra lại, nên cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Cuối cùng, thẩm phán tuyên bố ngân hàng phải đền bù cho ông Vương 30% thiệt hại, tương đương với số tiền 36.000 NDT (khoảng 129 triệu đồng).
(Theo Baijiahao)