Người giàu nhất Việt Nam nhận thù lao 0 đồng

Theo báo cáo của Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng tiếp tục nhận thù lao 0 đồng trong năm 2024, tương tự năm trước đó.

Thống kê của Forbes cho biết tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã vượt 7,5 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã kiểm toán của CTCP Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tiếp tục không nhận thù lao tương tự năm trước đó.

Ngoài ông Vượng, Phó chủ tịch Vingroup Nguyễn Diệu Linh cũng không nhận thù lao trong 2 năm liên tiếp.

Năm vừa rồi, HĐQT Vingroup nhận thù lao 12 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với năm 2023. Trong đó, Phó chủ tịch Nguyễn Việt Quang nhận mức cao nhất với 2,78 tỷ đồng. Ngoài ra, với vai trò Tổng giám đốc Vingroup, ông Quang còn nhận thêm hơn 11 tỷ đồng thu nhập.

Hai Phó chủ tịch Phạm Thúy Hằng và Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng) nhận 2,76 tỷ đồng/người. Các thành viên độc lập như ông Adil Ahmad, Chin Michael Jaewuk và Ronaldo Dy-Liacco Ibasco nhận 1,2 tỷ đồng/người, tăng 15% so với năm trước.

Tổng thù lao của các thành viên Ban giám đốc khác là 41,8 tỷ đồng.

Dù không nhận thù lao, tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại rất chịu chi “tiền túi” tài trợ cho nhà sản xuất xe điện VinFast. Năm 2024, vị doanh nhân đã tài trợ thêm 8.277 tỷ đồng cho công ty con.

Trước đó, năm 2023, ông Vượng cũng đã dùng 18.890 tỷ đồng tiền cá nhân để hỗ trợ nhà sản xuất xe điện này.

Ông Vượng từng cam kết tài trợ hàng tỷ USD cho VinFast. Cụ thể, năm 2023 người giàu nhất Việt Nam công bố tặng 1 tỷ USD cho hãng xe điện. Số tiền này đã được giải ngân hết vào giữa 2024.

Đến tháng 11/2024, vị tỷ phú tiếp tục cam kết hỗ trợ cho VinFast thêm 50.000 tỷ đồng đến hết năm 2026. Chủ tịch Vingroup cũng cho biết các khoản hỗ trợ được thu xếp từ nguồn tài sản cá nhân, không ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông Vingroup và VinFast. Ông cũng từng tuyên bố sẽ tài trợ cho hãng xe này đến khi hết tiền.

Cũng trong năm 2024, ông Phạm Nhật Vượng còn chuyển cổ phần sang cho Công ty VinFast với giá phí 0 đồng. Cụ thể, ông đã mua lại Công ty VinES - công ty sản xuất pin của Vingroup - với giá 1.820 tỷ đồng và sau đó chuyển nhượng lại cho VinFast với giá phí 0 đồng.

Dù không nhận thù lao nhiều năm qua, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại tăng rất mạnh, chủ yếu nhờ đà tăng giá cổ phiếu VIC.

Hiện Chủ tịch Vingroup sở hữu trực tiếp 691 triệu cổ phiếu VIC (tương đương 18,08% vốn tập đoàn) với quy mô hơn 40.000 tỷ đồng. Thực tế, con số này còn cao hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu tại các doanh nghiệp liên quan như Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, Di chuyển Xanh và Thông minh, Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI.

Đáng chú ý, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng không bán cổ phiếu VIC ra thị trường. Lần gần nhất Chủ tịch Vingroup chuyển nhượng cổ phiếu VIC là vào tháng 3/2023 với mục đích góp vốn vào CTCP Di chuyển xanh và Thông minh.

Trước đó vào tháng 11/2022, ông Vượng cũng góp vốn bằng gần 243,5 triệu cổ phiếu VIC vào CTCP Quản lý và đầu tư Bất động sản VMI. Ông Phạm Nhật Vượng đang nắm 90% cổ phần tại VMI và cam kết duy trì đầu tư và nắm quyền kiểm soát lâu dài tại doanh nghiệp này.

Theo thống kê của Forbes, ông Vượng duy trì vị thế người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản đạt 7,5 tỷ USD, tăng thêm hơn 3 tỷ USD, qua đó phá kỷ lục cá nhân từng thiết lập vào năm 2021. Hiện Chủ tịch Vingroup đang là là tỷ phú giàu thứ 414 trên thế giới.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.