Người phụ nữ chuyển khoản nhầm 358 triệu đồng, người nhận nhất quyết không trả lại còn tuyên bố: “Đây là tiền bà phải trả cho tôi”

Đối phương hứa sẽ hoàn trả nhưng mãi không thực hiện, người phụ nữ Trung Quốc không còn cách nào khác phải gửi đơn kiện lên tòa án.

Tháng 11/2021, người phụ nữ họ Lý ở thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc sử dụng điện thoại di động để chuyển tiền cho một người thân. Trong quá trình thao tác, bà đã nhập nhầm tên người nhận và vô tình chuyển số tiền 100.000 NDT (khoảng 358 triệu đồng) vào tài khoản của ông Trương – một người từng có lịch sử giao dịch với bà.

Chỉ khoảng 20 phút sau, nhận thấy có điều bất thường, bà Lý đã lập tức liên hệ với ông Trương để yêu cầu hoàn trả khoản tiền bị chuyển nhầm. Ban đầu, ông Trương đồng ý rằng sẽ trả lại, nhưng bà Lý chờ mãi vẫn không thấy đối phương chuyển tiền. Trong nhiều tháng liền, bà Lý đã nhờ đến các mối quan hệ chung, cơ quan chức năng địa phương can thiệp, nhưng ông Trương vẫn không hoàn trả tiền. Trước sự bế tắc này, bà Lý quyết định nộp đơn khởi kiện lên Tòa án Nhân dân Thường Đức, đồng thời xin áp dụng biện pháp bảo toàn tài sản trước khi khởi kiện nhằm ngăn chặn khả năng ông Trương tẩu tán tài sản.

Tại phiên tòa, ông Trương cho biết, vào năm 2009, ông đã góp vốn vào công ty vận tải đường thủy do chồng bà Lý - ông Lưu thành lập. Sau một thời gian, do không còn muốn hợp tác, ông đã đề nghị rút vốn nhưng ông Lưu không trả lại. Ông Trương cho rằng khoản tiền 100.000 NDT mà bà Lý chuyển nhầm có thể được dùng để bù đắp phần vốn góp mà ông cho rằng mình còn bị nợ từ nhiều năm trước. Để làm rõ quan điểm này, ông Trương cũng nhờ một số nhân chứng đến chứng minh việc góp vốn là có thật. Tuy nhiên, ông không xuất trình được bất kỳ văn bản nào như hợp đồng góp vốn, chứng từ thanh toán hay giấy tờ liên quan đến việc thanh lý vốn. Những người làm chứng cũng không thể xác định ông Trương đã góp bao nhiêu tiền hoặc các điều khoản cụ thể trong thỏa thuận giữa hai bên.

Không dừng lại ở đó, ông Trương tiếp tục cho rằng công ty mà ông từng góp vốn là do cả vợ chồng bà Lý cùng điều hành, vì vậy khoản tiền này nên được xem là nợ chung của hai vợ chồng và bà Lý phải có trách nhiệm hoàn trả. Tuy nhiên, bà Lý kiên quyết phủ nhận điều này, cung cấp bằng chứng cho thấy bà đang làm công việc khác và không tham gia vào hoạt động kinh doanh của chồng. Bà cho rằng việc ông Trương tự ý giữ lại khoản tiền chuyển nhầm là hành vi chiếm dụng tài sản không hợp pháp.

Người phụ nữ chuyển khoản nhầm 358 triệu đồng, người nhận nhất quyết không trả lại còn tuyên bố: “Đây là tiền bà phải trả cho tôi”- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Sau quá trình xem xét kỹ lưỡng, Tòa án Nhân dân Thường Đức nhận định rằng vụ việc không thể đơn giản quy về quan hệ hoàn trả vốn góp. Theo thẩm phán, công ty của ông Lưu có nhiều cổ đông, nếu thật sự có vấn đề về rút vốn, thì việc hoàn trả phải trải qua quá trình thương lượng, thống kê rõ ràng lợi nhuận, thua lỗ, cổ tức… giữa các bên, chứ không thể chỉ trả cho một cá nhân duy nhất. Vì vậy ông Trương không thể đòi lại bằng cách giữ lại khoản tiền được chuyển nhầm từ vợ của người sáng lập công ty.

Tòa án cho rằng việc bà Lý chuyển nhầm tiền là có thật, và bà là người bị thiệt hại trong vụ việc này. Trước khi xảy ra sự việc, giữa bà Lý và ông Trương chưa từng có thỏa thuận nào về việc hoàn trả vốn góp, cũng như không có bất kỳ động thái nào thể hiện hai bên đã thống nhất về việc dùng khoản tiền này để thanh toán nợ. Như vậy, ông Trương không có quyền tự ý giữ lại số tiền nói trên dưới danh nghĩa bù trừ. Các tranh chấp liên quan đến vốn góp, nếu có, thuộc về một quan hệ pháp lý khác và phải được giải quyết riêng biệt. Căn cứ Điều 985 của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, khoản tiền 100.000 NDT mà ông Trương nhận được là lợi ích không có cơ sở pháp lý và phải được hoàn trả.

Cuối cùng, tòa án cấp sơ thẩm ra phán quyết buộc ông Trương hoàn trả toàn bộ 100.000 NDT (khoảng 358 triệu đồng) cho bà Lý. Sau đó, ông Trương kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Thường Đức nhưng tòa phúc thẩm giữ nguyên phán quyết sơ thẩm.

Thẩm phán cũng nhắc nhở, trong bối cảnh các hình thức thanh toán điện tử ngày càng phổ biến và tiện lợi, mọi người cần kiểm tra thật kỹ thông tin người nhận trước khi chuyển tiền. Khi phát hiện sai sót, cần nhanh chóng liên hệ với người nhận, báo cáo với cơ quan chức năng, đồng thời cân nhắc áp dụng các biện pháp pháp lý như bảo toàn tài sản trước khi khởi kiện để tăng khả năng thu hồi lại tài sản và đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.

(Theo Fengone news)