Một ngày tháng 9 năm 2021, tài khoản ngân hàng của cô Hàn ở Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc, bỗng được cộng thêm 25.200 NDT (khoảng 87 triệu đồng) mà không rõ lý do. Khi đang nhắn tin hỏi bạn bè và người thân về khoản tiền này, cô Hàn nhận được một cuộc điện thoại từ đầu số lạ.
Ở đầu dây bên kia, một người đàn ông ngoài 40 tuổi cho biết anh ta là chủ nhân của số tiền mà cô đã nhận được. Vì người này nhập nhầm số tài khoản lúc chuyển tiền cho bạn nên số tiền cần gửi đã được chuyển đến ngân hàng của cô Hàn. Qua trao đổi, người đàn ông này hy vọng cô trả lại tiền cho anh ta.
Cô Hàn tốt bụng lập tức chuyển tiền cho đối phương mà không suy nghĩ nhiều. Cứ ngỡ mọi việc sẽ dừng lại ở đó, thế nhưng một tháng sau đó, người phụ nữ này phát hiện hơn 3.000 NDT (hơn 10 triệu đồng) trong tài khoản ngân hàng bỗng nhiên bị khấu trừ. Vài giây sau, cô Hàn còn nhận được một tin nhắn từ một số điện thoại lạ. Nội dung tin nhắn là: “Chị đang vay tiền của chúng tôi. 3000 NDT là tiền lãi cho kỳ vay đầu tiên.”
Biết mình bị lừa, người phụ nữ này lập tức trình báo sự việc cho cảnh sát.
Sau khi điều tra, cảnh sát thành phố Vô Tích phát hiện ra rằng thông tin cá nhân của cô Hàn đã bị kẻ xấu đánh cắp và chúng đã sử dụng thông tin này để vay 25.200 NDT từ một trang web cho vay nặng lãi. Khi số tiền được chuyển vào tài khoản của người phụ nữ này, chúng sẽ gọi điện hoặc gửi tin nhắn và lấy lý do chuyển khoản nhầm rồi xin lại. Vì tin lời của bọn chúng, cô Hàn đã trở thành con nợ của bên cho vay nặng lãi.
Cuối cùng, với sự giúp đỡ của cảnh sát, cô Hàn đã nộp đơn khiếu nại lên ngân hàng và tránh được việc mất mát thêm tài sản.
Cảnh sát Trung Quốc cho biết có rất nhiều kịch bản được những kẻ lừa đảo sử dụng để “gài” những đối tượng nhẹ dạ cả tin vào bẫy. Trong đó, kịch bản chuyển tiền nhầm qua tài khoản là thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi khiến nhiều người sập bẫy.
Cảnh sát cũng khuyến cáo, khi bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm”, người dân tuyệt đối không xử lý số tiền chuyển nhầm trên một cách vội vã và không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân.
Nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc hoặc chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo. Trong trường hợp bị lừa đảo, bạn nên bình tĩnh và giữ lại đầy đủ bằng chứng điện tử (chẳng hạn như bản ghi trò chuyện, tin nhắn văn bản, số tài khoản ngân hàng, ….) và báo ngay cho cảnh sát để được hướng dẫn xử lý.
(Theo Sohu)