Quảng Ngãi nghiên cứu chính sách nhà ở, đi lại cho cán bộ đi làm xa sau sáp nhập

Khi đề cập đến việc sáp nhập Quảng Ngãi và Kon Tum, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại cho cán bộ.

Chiều 26/4, tại cuộc họp quý I/2025, trao đổi với PV về các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết, các ý tưởng như cho phép cán bộ làm việc ở hai nơi và chính sách hỗ trợ cán bộ sau sáp nhập đã được tỉnh đặt ra. 

Quảng Ngãi nghiên cứu chính sách nhà ở, đi lại cho cán bộ đi làm xa sau sáp nhập- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn.

Tuy nhiên, việc quyết định thuộc thẩm quyền của Trung ương, và hiện địa phương đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, sau khi sáp nhập, phạm vi địa bàn quản lý sẽ rất rộng. Chẳng hạn từ trung tâm tỉnh Quảng Ngãi đến xã Bờ Y (nay thuộc huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) có thể di chuyển đến một ngày. 

Do đó, tỉnh mong muốn Trung ương xem xét việc bố trí thêm lực lượng chuyên trách tại các địa bàn trọng điểm này nhằm đảm bảo công tác quản lý và điều hành hiệu quả.

Đối với các trụ sở làm việc, lãnh đạo tỉnh cho biết, hiện hạ tầng tại trung tâm Quảng Ngãi cơ bản đáp ứng, nhưng việc quyết định số lượng biên chế, phân bổ nguồn lực sẽ do Trung ương cân nhắc, chưa có quyết định cuối cùng.

Về chính sách hỗ trợ cán bộ phải di chuyển xa đến trung tâm tỉnh mới để công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan như: Tài chính, Nội vụ... chủ động lắng nghe ý kiến từ các đơn vị để nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp.

Các hướng hỗ trợ đang được xem xét gồm: hỗ trợ về nhà ở, phương tiện đi lại, điều kiện giáo dục cho con em cán bộ. Tuy nhiên, hiện tại, tỉnh vẫn chưa ban hành chính sách cụ thể nào mà đang trong quá trình tổng hợp ý kiến, xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền. 

"Chúng tôi giao Sở Tài chính nghiên cứu cách thức hỗ trợ và phối hợp với các sở, ngành thống nhất trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định", lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh.

Tỉnh cũng cho biết sẵn sàng tiếp thu góp ý, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác trong quá trình thực hiện sáp nhập nhằm đảm bảo hiệu quả, ổn định và phát triển bền vững.