Sau khi bị khám xét, Chánh án huyện ở Gia Lai bị cho thôi việc

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đăk Đoa bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai cho thôi việc và ông này đang bị điều tra.

Chánh án huyện bị cho thôi việc

Ngày 10/4, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai đã có thông báo về việc ông Nguyễn Xuân Hưng (46 tuổi), Chánh án TAND huyện Đăk Đoa bị Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (Viện KSND Tối cao) khám xét tại nơi làm việc.

Theo đó, TAND Tỉnh Gia Lai nhận được báo cáo số 43/BC-TA ngày 10/4/2025 của TAND huyện Đăk Đoa, nêu rõ: Khoảng 8 giờ 30 phút, ngày 09/4/2025, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đến trụ sở TAND huyện Đăk Đoa làm việc đối với ông Nguyễn Xuân Hưng.  Từ 18 giờ 30 phút đến 19 giờ 45 phút cùng ngày, Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao lập biên bản thu giữ, niêm phong một số tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử (lúc đó có đại diện TAND huyện Đăk Đoa ký vào các biên bản).

TAND tỉnh Gia Lai cho biết thêm, trước đó ngày 1/4/2025, ông Nguyễn Xuân Hưng có đơn xin thôi việc theo nguyện vọng vì lý do cá nhân (đơn có xác nhận của Lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Đăk Đoa). Ngày 8/4/2025, Đảng ủy TAND tỉnh Gia Lai họp để xem xét, thảo luận và đã đồng ý đơn xin thôi việc theo nguyện vọng của ông Hưng. Đến ngày 9/4/2025, Chánh án TAND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 132/QĐ-TA cho ông Nguyễn Xuân Hưng được thôi việc theo nguyện vọng kể từ ngày 9/4/2025.

Và theo Tòa án tỉnh này, hiện nay, ông Nguyễn Xuân Hưng không còn trong biên chế của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai.

Bị tố lên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao

Theo tìm hiểu của Thời báo VTV, trong thời gian ông Nguyễn Xuân Hưng giữ chức Chánh án huyện, ông này bị người dân phản ánh lên Viện KSND Tối cao về việc vi phạm trong hoạt động tư pháp đối với các thẩm phán.

Hồ sơ thể hiện, vào năm 2018, ông Nguyễn Xuân Hưng thay mặt Hội đồng xét xử sơ thẩm làm thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản" xảy ra tại huyện Đăk Đoa.

Cụ thể, vào năm 2017, bà Trịnh Thị Ngân (59 tuổi, trú xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) có trao đổi, muốn vay 2,8 tỷ đồng của bà Ngô Thị Phương Dung (39 tuổi, trú huyện Mang Yang, Gia Lai). Bà Dung liên hệ với bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp vay 2,6 tỷ đồng để cho bà Ngân vay.

Sau khi bị khám xét, Chánh án huyện ở Gia Lai bị cho thôi việc- Ảnh 1.

Nơi ông Hưng từng công tác

3 ngày sau, bà Ngân đã trả cho bà Dung 2,5 tỷ đồng, còn nợ lại 300 triệu đồng và 31 triệu đồng tiền lãi. Trước khi vay tiền, bà Ngân có đưa cho bà Dung một sổ đỏ.

Tuy nhiên, bà Dung không trả nợ cho bà Điệp mà chỉ giao sổ đỏ của bà Ngân cho bà Điệp. Từ đó, bà Điệp nộp đơn khởi kiện bà Ngân, yêu cầu tạm thời phong tỏa lô đất gần 1.000m2 .

Ông Hưng lúc này là thẩm phán, chủ tọa phiên tòa tuyên buộc bà Trịnh Thị Ngân trả cho bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp số tiền hơn 2,9 tỷ đồng (2,6 tỷ đồng tiền gốc, 390 triệu đồng tiền nợ lãi).

Một năm sau, năm 2019, TAND Tỉnh Gia Lai đưa vụ án ra xét xử phúc phẩm, cũng tuyên buộc bà Ngân phải trả cho bà Điệp 2,9 tỷ đồng.

Khi vụ việc đưa ra kháng nghị giám đốc thẩm, vào tháng 9/2019, Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ra Quyết định kháng nghị toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Gia Lai. Đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy toàn bộ bản án dân sự phúc phẩm và bản án dân sự sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Đăk Đoa xét xử sơ thẩm lại đúng theo quy định pháp luật.

Theo Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng, tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng và thu thập chứng cứ không đầy đủ dẫn đến giải quyết vụ án không đúng. Việc tòa án 2 cấp ở Gia Lai không đưa bà Dung vào tham gia tố tụng là vi phạm khoản 4, điều 68, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Tuy nhiên, 2 tháng sau, tháng 11/2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng lại ra Quyết định không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng, giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, vào năm 2021, bà Ngô Thị Phương Dung đã bị Công an tỉnh Gia Lai bắt giam vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng của bà Trịnh Thị Ngân và chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng của bà Hoàng Thị Tuyết. Vào năm 2021, bà Dung bị tuyên án 16 năm tù giam. Cũng theo TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, vào năm 2005, bà Dũng đã bị TAND Quận Long Biên, Hà Nội kết án 12 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản".

Như Thời báo VTV đã đưa tin, tối 9/4, Cơ quan Điều tra của Viện KSND Tối cao đã khám xét tại trụ sở TAND huyện Đăk Đoa đối với ông Nguyễn Xuân Hưng và thu giữ một số tài liệu liên quan. Vụ việc này được xác định liên quan đến vụ án nhận hối lộ, môi giới hối lộ mà Cơ quan Điều tra của Viện KSND Tối cao phát hiện tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vào cuối năm 2024.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án này, Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao phát hiện giao dịch chuyển tiền của ông Hưng cho một thẩm phán thuộc TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.