Mỗi khi hầm xương hoặc nấu cháo, chỉ cần bạn lơ là một chút thì nước trong nồi sẽ tràn ngay ra ngoài. Hiện tượng này xảy ra là do nước trong nồi chứa lượng không khí hòa tan nhất định.
Khi đã đạt đến điểm sôi, độ hòa tan không khí trong nước giảm xuống, nước nóng chuyển hóa nhanh từ dạng lỏng sang dạng khí. Nhiệt độ càng tăng cao thì độ hòa tan lại càng giảm, khí thoát ra càng nhiều hơn, men theo thành nồi và nổi lên bề mặt nước.
Nước càng sôi lâu, các màng bong bóng (bọt nước) ở trên bề mặt sẽ càng tăng lên cho đến khi tràn ra ngoài. Để ngăn bọt nước trào ra, bạn chỉ cần đặt một chiếc thìa gỗ ngang miệng nồi.
Bong bóng vốn là dạng không ổn định, nếu bị một vật kỵ nước (có nghĩa là không thể hấp thụ nước) chọc thủng bề mặt thì sẽ lắng xuống. Khi tiếp xúc với bề mặt chống thấm nước của thìa gỗ khô, bong bóng sẽ bị mất tính ổn định và vỡ ra.
Ngoài ra, bong bóng và bọt được tạo ra từ nước sôi chứa đầy hơi nước, nếu như chạm vào vật nào đó có nhiệt độ dưới 100 độ C (nhiệt độ sôi của nước), hơi nước sẽ ngưng tụ rồi chuyển trở lại thành chất lỏng, qua đó làm vỡ bề mặt bong bóng. Với nhiệt độ dưới 100 độ C, thìa gỗ có tác dụng phá vỡ bong bóng, làm cho hơi nước ngay lập tức ngưng tụ và trở về trạng thái lỏng.
Điều đó trái ngược hoàn toàn với phản ứng khi sử dụng muỗng kim loại. Kim loại vốn là chất dẫn nhiệt rất tốt nên khi đặt trong nồi, nó sẽ bắt dầu nóng lên, có lúc còn nóng nhanh hơn nước trong nồi. Khi này, nước tiếp xúc với bề mặt trơn và nóng của muỗng kim loại sẽ trào lên nhanh chóng.
Lưu ý, tuy thìa gỗ có hiệu quả trong việc ngăn nước sôi tràn ra khỏi nồi nhưng nếu nước trào lên nhiều lần thì sẽ làm thìa gỗ bị ướt và nóng lên, dẫn đến dần mất tác dụng. Bởi vậy, sau một thời gian nhất định, bạn nên trở lại để tắt bếp hoặc là đổi một chiếc thìa gỗ mới.
Mẹo này có thể áp dụng khi nấu tất cả những món ăn có nước và bọt dễ trào khỏi miệng nồi. Lưu ý, bạn nên chọn chiếc thìa gỗ có kích thước lớn để phát huy tác dụng tốt nhất của mẹo này.