Tháng 9/2024, cảnh sát huyện Đức Xương, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) nhận được cuộc gọi của một chủ tiệm vàng báo cáo về hành vi đáng ngờ của khách hàng. Chủ tiệm cho biết một người phụ nữ họ Mao đã đến mua trang sức vàng, vàng miếng với số lượng lớn, tổng giá trị lên đến 163.000 NDT (hơn 560 triệu đồng).
Người này trong toàn bộ quá trình mua hàng không quan tâm quá kỹ đến mẫu mã hay kiểu dáng, thông tin giá cả trang sức. Thay vào đó, cô chỉ yêu cầu nhân viên lấy đủ số lượng, sau đó liên tục chụp ảnh và nhắn tin với người khác. Với kinh nghiệm kinh doanh lâu năm của chủ tiệm này, một vị khách dù giàu có đến đâu, mua vàng cũng sẽ nhìn kiểu dáng, giá trị.
Khi được hỏi thăm lý do mua nhiều vàng, bà Mao đáp: “Mua vàng để tặng họ hàng trong đám cưới”. Người phụ nữ muốn nhanh chóng ra về, nhưng vì chủ cửa hàng nhận thấy điều bất thường nên đã báo cảnh sát và tìm cách giữ khách với lý do hệ thống lỗi khi xuất hóa đơn mua vàng.
Cảnh sát Trung Quốc ngay lập tức có mặt tại cửa hàng vàng để điều tra. Lúc này, bà Mao biết hành vi của bản thân không thể qua mắt các cơ quan chức năng nên đã khai nhận: “Bản thân tôi cũng chỉ là người bị lừa”. Người phụ nữ này cho biết khoảng nửa tháng trước, bà nhận được một kiện hàng lạ có in dòng chữ “Quét mã QR để nhận quyền lợi” trên bao bì.
Vì tò mò, bà Mao đã quét mã và giao diện chuyển sang nhóm chat hàng trăm thành viên trao đổi về công việc đặt hàng – hoàn tiền. Người phụ nữ này quan sát hoạt động trong nhóm chat, đặc biệt là việc các thành viên đều phản hồi tích cực về công việc dễ dàng mà thanh toán lương thưởng nhanh chóng.
Bà Mao bị hấp dẫn bởi khoản hoa hồng lớn khi chỉ cần đặt hàng theo đúng yêu cầu của quản trị viên, chưa đầy 5 phút sau tiền thưởng và tiền hàng đã được chuyển vào tài khoản. Giá trị đơn hàng càng cao thì hoa hồng càng lớn, vì vậy bà Mao càng ngày càng chăm làm nhiệm vụ được giao trong nhóm chat.
Cho đến một ngày bà Mao được giao cho 2 đơn hàng giá trị 40.000 NDT (gần 140 triệu đồng) nhưng hoàn thành xong lại không được nhận hoa hồng. Khi khiếu nại lên quản trị viên, người này cho biết các đơn hàng lớn sẽ mất thời gian để hệ thống xác nhận và hoàn tiền. Quản trị viên gợi ý bà Mao thực hiện nhiệm vụ bằng cách mua hàng trực tiếp thay vì làm các đơn online, như vậy sẽ tăng điểm tín nhiệm trên hệ thống và ngay lập tức nhận được tiền.
Đơn hàng bà Mao được giao chính là đi mua 163.000 NDT tiền vàng, không cần quan tâm đến mẫu mã hay kiểu dáng, sau đó gửi đến địa chỉ đã chỉ định. Người phụ nữ này rất e dè vì giá trị đơn hàng rất lớn, dù các thành viên khác trong nhóm chat trấn an bà là tiền sẽ về ngay khi đối phương nhận được vàng.
Khi bà Mao đi vay tiền để thực hiện đơn hàng này, không ít người thân cảnh báo có thể bà đã bị lừa. Tuy nhiên vì đang bị giữ số tiền 40.000 NDT và cũng “mờ mắt” bởi số tiền hoa hồng lớn cho đơn mua vàng, bà vẫn bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn, nôn nóng thực hiện nhiệm vụ để mau chóng nhận lại tiền.
Đến khi cảnh sát xuất hiện tại cửa tiệm vàng, bà Mao khai nhận bản thân là người bị lừa để được lực lượng chức năng hỗ trợ lấy lại số tiền đặt hàng vẫn chưa được hoàn. Cảnh sát tiến hành điều tra nhóm chat bà Mao đang hoạt động, phát hiện chỉ có tài khoản người phụ nữ này là thật còn lại hầu hết là các tài khoản mạo danh, nhằm lừa bà tin rằng nhiều người đã nhận hoa hồng cao bằng hình thức này.
Thực hiện những nhiệm vụ nhỏ và nhận tiền chỉ là cái bẫy đầu tiên để dẫn dắt người nhẹ dạ cả tin như bà Mao tiến hành việc mua các đơn lớn hơn như vàng, sau đó “bùng” tiền.
Việc mua bán vàng số lượng lớn cũng có thể là dấu hiệu cho thấy các đối tượng này có mục đích rửa tiền phi pháp, do vàng có giá trị và tính thanh khoản cao, ẩn danh khi mua bán. Những năm gần đây, cảnh sát đất nước tỷ dân đã trấn áp nhiều nhóm tội phạm dùng vàng rửa tiền để gửi qua nước ngoài. Lực lượng chức năng Trung Quốc nhắc nhở người dân nâng cao cảnh giác với hình thức nhận công việc mua bán vàng với hoa hồng cao vì có nguy cơ trở thành đồng phạm cho tội phạm rửa tiền.
(Theo Toutiao)