Vào cuối tháng 1/2019, cô Mã sống ở thành phố Ngân Xuyên, Ninh Hạ, Trung Quốc, lên mạng mua một số đồ decor để chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán. Theo dự kiến, số đồ decor này sẽ mất 4-6 ngày mới giao tới. Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau khi đặt hàng, cô Mã đã nhận được điện thoại của shipper.
Người này cho biết đơn hàng của cô Mã đã thất lạc và xin số tài khoản của cô để phía đơn vị chuyển phát gửi tiền bồi thường tổn thất. Vì đơn hàng của người phụ nữ này có giá trị lớn nên đơn vị chuyển phát cho biết sẽ tính phí bồi thường gấp 3 lần giá trị của nó. Tuy nhiên, để nhận được khoản bồi thường này, shipper yêu cầu cô Mã phải điền đầy đủ thông tin cá nhân vào một tờ phiếu theo quy định.
Không hề nghi ngờ, cô Mã vội làm theo chỉ dẫn của nhân viên giao hàng này. Đầu tiên, cô nhấn vào 1 đường link mà shipper gửi qua tin nhắn rồi làm theo hướng dẫn, điền đầy đủ các thông tin nhận dạng, tài khoản ngân hàng và hoàn tiền theo yêu cầu, đồng thời điền mã xác minh theo trình tự.
Xong xuôi, cô Mã ung dung ngồi chờ tiền bồi thường được chuyển về tài khoản. Khoảng 10 phút sau đó, người phụ nữ này quả thực nhận được tin nhắn thông báo của ngân hàng. Tuy nhiên, thay vì nhận được tiền như lời shipper nói, cô Mã lại nhận được thông báo trừ tiền. Theo đó, 40.000 NDT (khoảng 140 triệu đồng) trong tài khoản của người phụ nữ này đã được chuyển đi. Lúc này, cô Mã mới nhận ra mình bị lừa nên vội đến đồn cảnh sát trên địa bàn để trình báo vụ việc.
Tại đồn cảnh sát, người phụ nữ này khóc lóc cho biết: “Tôi tin tưởng làm theo chỉ dẫn của shipper, nào ngờ lại bị lừa mất 40.000 NDT
Sau khi lập hồ sơ điều tra, phía cảnh sát đã liên hệ ngân hàng liên quan để xác minh danh tính tài khoản nhận tiền. Từ đây, cảnh sát phát hiện ra một ổ tội phạm gồm 4 đối tượng chuyên thực hiện hành vi giả mạo là người giao hàng để lừa tiền của những người nhẹ dạ cả tin.
Những đối tượng này thú nhận đã mua thông tin của những khách hàng từng sử dụng QQ để mua hàng online từ một nhóm lừa đảo khác. Khi có được thông tin mua sắm của khách hàng, họ dễ dàng tìm kiếm và theo dõi quá trình vận đơn và dựa vào đó để thực hiện âm mưu của mình. Bằng 1 liên kết gửi cho nạn nhân, những kẻ lừa đảo sẽ dễ dàng có được thông tin cá nhân, số tài khoản, mật khẩu ngân hàng và mã chuyển tiền của những người nhẹ dạ cả tin rồi chiếm đoạt tài sản. Dù thủ thuật này không quá tinh vi nhưng vẫn được những kẻ lừa đảo sử dụng để “bẫy” những con mồi dễ tin người và thiếu kiến thức.
Về phía cô Mã, 2 ngày sau khi bị lừa mất 40.000 NDT, đơn hàng của người phụ nữ này cũng đã được shipper giao tới tận nhà. Qua câu chuyện trên, cảnh sát Trung Quốc khuyến cáo mọi người nếu muốn mua sắm trực tuyến thì nên đăng nhập vào trang web chính thức của nhãn hàng để tránh rơi vào trường hợp tương tự. Bên cạnh đó, nên thường xuyên kiểm tra hoặc gọi điện cho bộ phận chăm sóc khách hàng của nhãn hàng hay đơn vị vận chuyển để nắm rõ tình hình đơn hàng của mình cũng như cách thức giao nhận, nhất là với các đơn giá trị lớn. Trong trường hợp phát hiện ra bị lừa tiền, hãy bình tĩnh liên hệ cơ quan chức năng để hợp tác điều tra và có hướng xử lý tốt nhất.
(Theo Sohu)