Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, cơ quan điều tra xác định Hoàng Mạnh Hà (46 tuổi), Vũ Mạnh Cường (46 tuổi, cùng trú Hà Nội) là chủ mưu cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả. Ngoài ra, có 3 người giúp sức trực tiếp, gồm: Nguyễn Thành Luân; Nguyễn Văn Tú và Hồ Sỹ Ý.

Sản phẩm sữa bột của công ty này được quảng cáo được ứng dụng thành tựu dinh dưỡng hiện đại. Ảnh chụp màn hình
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, tại cơ quan công an, Hồ Sỹ Ý (37 tuổi, quê Hà Tĩnh), cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, điều hành nhà máy sản xuất khai rằng tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột "không được kiểm tra nên dẫn tới sự sai sót như thế".
Hồ Sỹ Ý cũng thừa nhận sai sót và nói "thật sự xin lỗi khách hàng".
Trong khi đó, Đặng Trung Kiên (37 tuổi), cổ đông góp vốn, phó giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood khai nhận "khi triển khai đăng ký hồ sơ bên chi cục cũng có hướng dẫn việc kiểm nghiệm". Tuy nhiên chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vi sinh.
"Thực tế về việc kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất thì gần như không", Kiên khai.
Đến thời điểm bị bắt vào ngày 11/4, đường dây này đã sản xuất 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Trong khoảng 4 năm, từ năm 2021 đến nay, nhóm này đã tiêu thụ ra thị trường và thu về gần 500 tỉ đồng.
Thành phần sữa được công bố là chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó, song trên thực tế không hề có những chất này.
Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm các chất phụ gia khác. Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố - đủ căn cứ xác định là hàng giả.
Danh sách gần 600 loại sữa bột giả
Theo thông tin trên báo Thanh niên, dù website và fanpage của các công ty trong đường dây đã mất truy cập, song theo quảng cáo trước đó, sản phẩm của các công ty này đã có mặt rộng rãi, được phân phối qua cửa hàng bỉm sữa, hệ thống siêu thị... tại nhiều tỉnh, thành.
Một số loại sữa giả phổ biến được nhóm công ty này bán trên thị trường như Cilonmum (gồm các sản phẩm như Cilonmum Colos Baby 24h, Cilonmum Colos Pedia 24h, Cilonmum For Mum Colostrum 24h, Cilonmum b Gludiabet Colostrum 24h, Cilonmum Kid Goat Colostrum 24h, Cilonmum Pedia Goat Colostrum 24h và Cilonmum Diasure Colostrum 24h) do Công ty CP dược quốc tế Group phân phối.
Talacmum (gồm các dòng sản phẩm như Talacmum For Mum, Talacmum Gain, Talacmum Gludiabet, Talacmum Goat Kids, Talacmum Goat Pedia, Talacmum IQ Grow, Talacmum Kalosure Gold, Talacmum Kid Baby và Talacmum Pedia Cool) là sản phẩm của Hacofood, được quảng cáo sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand và áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại.
Colos 24H Premium được sản xuất và phân phối bởi Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma; NewSure Colos 24H Kid Plus; Baby Care Colostrum Kid; Bold Milk (gồm Bold Milk For Mum Colostrum và Bold Milk Glu Sure Colostrum); Sure IQ Sure Gold...
Những sản phẩm của đường dây này đều quảng cáo đạt chuẩn chất lượng quốc tế và phân phối rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành cả nước. Để đảm bảo cho sức khoẻ, người dân cần kiểm tra trên bao bì sản phẩm, nếu do các công ty kể trên sản xuất và phân phối thì không nên sử dụng.