Trung ương quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức bộ máy

Sau hai tháng “vừa chạy vừa xếp hàng”, các cơ quan chức năng đã thống nhất phương án đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét và quyết định (dự kiến diễn ra ngày 23 và 24/1).
Trung ương quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức bộ máy- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18. Ảnh: Nhandan.vn

Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nhận định, với sự đột phá trong tư duy và hành động, việc tinh gọn tổ chức bộ máy đã được thực hiện bài bản, quyết liệt, đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và tiến độ đề ra, dù đây là công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm.

Tinh thần mới, vận tốc mới

Sau khi Bộ Chính trị , Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 và công bố phương án nghiên cứu, đề xuất tinh gọn bộ máy (ngày 1/12), cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới trong thực hiện các chủ trương lớn, có tính chất đột phá cho sự phát triển.

“Lâu nay chúng ta thường nói nghị quyết của Đảng rất đúng, trúng nhưng quá trình thực hiện lại hạn chế, chậm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, lần này, cách thực hiện có nhiều đổi mới, đột phá. Cụ thể, sau khi Đảng có chủ trương, lập tức cả hệ thống chính trị vào cuộc ngay, không chờ đợi, không chậm trễ, đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “vừa chạy vừa xếp hàng”; Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở. Kết quả, sau 2 tháng thực hiện, các cơ quan chức năng đã thống nhất phương án tinh gọn để trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nói.

Về phương án sắp xếp, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc mới đây, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất rất cao phương án đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy, trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương vào ngày 23 và 24/1. Cụ thể, đối với các Ban Đảng, sẽ kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển giao một phần nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, một phần về Văn phòng Trung ương Đảng; hợp nhất Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận Trung ương thành Ban Tuyên giáo - Dân vận; đổi tên Ban Kinh tế Trung ương thành Ban Nghiên cứu Chính sách chiến lược của Đảng.

Với Quốc hội, dự kiến sẽ kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại; sáp nhập Ủy ban Kinh tế với Ủy ban Tài chính - Ngân sách; sáp nhập Ủy ban Xã hội với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; sáp nhập Ủy ban Pháp luật với Ủy ban Tư pháp. Phương án đề xuất cũng sẽ nâng tầm hai ban từ trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên trực thuộc Quốc hội, gồm: Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện (dự kiến đổi tên Ban Dân nguyện và Giám sát).

Ở khối Chính phủ, đến nay phương án đã duyệt, trình Trung ương là hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, tên mới là Bộ Tài chính; hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Thông tin và Truyền thông, lấy tên là Bộ Khoa học và Công nghệ. Chuyển một phần nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ, lấy tên là Bộ Nội vụ (một phần nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến tên gọi mới là Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Cùng với đó, kết thúc hoạt động của tất cả các tổng cục, chỉ còn cục...

Giảm 119 đầu mối cấp vụ

Theo TTXVN, ngày 21/1, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Theo báo cáo tại phiên họp, sau một thời gian tổ chức triển khai nhiệm vụ, Trung ương đã giảm 119 đầu mối cấp vụ của cơ quan, ban đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, dự kiến giảm 4 cơ quan Đảng Trung ương; 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn ở Trung ương; 5 cơ quan của Quốc hội, 13 đầu mối cấp vụ, đơn vị; 5 bộ, cơ quan ngang bộ; 3 cơ quan thuộc Chính phủ, 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương (100%); 519 cục và tổ chức tương đương; 219 vụ và tổ chức tương đương; 3.303 chi cục và tương đương; 203 đơn vị sự nghiệp công lập; 227 đầu mối thuộc tòa án nhân dân các cấp; 108 đầu mối thuộc ngành kiểm sát nhân dân…

Địa phương dự kiến giảm 66 đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và 264 cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy; 63 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh; 644 đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh; 694 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện; 340 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 1.438 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Bước đột phá trong hành động

Nhìn lại quá trình thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy trong hai tháng qua, ông Nguyễn Trọng Phúc nhận định, đây là một bước đột phá trong tư duy và hành động của Đảng trong thực hiện các chủ trương lớn. Ông cho biết, trước đây, Đảng thường phải ban hành nghị quyết với phương án sáp nhập cụ thể, rồi từ đó các cơ quan mới triển khai thực hiện. Tuy nhiên, lần này, việc sắp xếp tổ chức bộ máy diễn ra quyết liệt, đi liền với đó là bố trí công tác cán bộ để đáp ứng với yêu cầu. “Tinh gọn tổ chức bộ máy lần này chính là bước đổi mới về tư duy và hành động trong thực hiện các chủ trương, đường lối lớn mà Đảng đề ra”, ông Phúc nói.

Từ góc nhìn của người từng làm công tác nội vụ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó khăn, phức tạp nên ngay từ đầu Đảng đã xác định đây là cuộc cách mạng, chứ không phải chỉ sắp xếp, kiện toàn. “Sắp xếp, kiện toàn thường phải theo lộ trình, thời điểm, còn xác định cuộc cách mạng thì phải chớp thời cơ, làm quyết liệt, triệt để. Cách mạng là thần tốc, nếu chậm trễ là bỏ lỡ ngay”, ông Dĩnh nói.

Theo ông Dĩnh, về tư tưởng, Đảng xác định tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng nên tinh thần thực hiện là “vừa chạy vừa xếp hàng”. “Có nghĩa là các cơ quan, đơn vị phải vừa tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18, vừa thiết kế phương án sắp xếp, đồng thời cũng chủ động thực hiện sắp xếp luôn, chứ không phải chờ quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền rồi mới triển khai. Đây là điểm rất mới trong hành động của Đảng”, ông Dĩnh nói.

Quá trình thực hiện ở các cơ quan, đơn vị trong cả nước, theo ông Dĩnh, dù chưa có quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền nhưng đến nay, ở nhiều nơi, lãnh đạo sở, ngành, cơ quan, đơn vị đã chủ động đề xuất tự nguyện xin tinh gọn, nghỉ hưu sớm.

Một điểm nổi bật nữa được ông Dĩnh chỉ ra là sự tiên phong gương mẫu trong thực hiện tinh gọn từ chính các cơ quan của Đảng. Cụ thể, chỉ một tháng sau Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, Bộ Chính trị đã trao quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương.

Nhiều bí thư tỉnh ủy không phải là người địa phương

Cùng với việc tinh gọn tổ chức bộ máy, thời gian qua, công tác cán bộ cũng có nhiều thay đổi. Theo đó, Bộ Chính trị đã quyết định điều động, phân công một số cán bộ đảm nhận chức danh mới. Một số lãnh đạo bộ, ngành cũng được điều động, luân chuyển về địa phương giữ chức bí thư tỉnh ủy. Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, thay cho ông Trần Hồng Minh được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long thay ông Bùi Văn Nghiêm được điều động làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, được điều động, chỉ định làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ, thay cho ông Nguyễn Văn Hiếu được Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương…

Về việc điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua, ông Dĩnh cho rằng, đây là công việc thường xuyên của Đảng để đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp bí thư tỉnh ủy có vi phạm, khuyết điểm, bị kỷ luật nên Bộ Chính trị đã điều động, phân công nhân sự về thay thế. Theo ông Dĩnh, trong đợt điều động, bổ nhiệm cán bộ vừa qua, có một số nhân sự không phải là ủy viên Trung ương, là phó bí thư tỉnh ủy, hoặc thứ trưởng các bộ, ngành được luân chuyển về địa phương làm bí thư tỉnh ủy. Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ, đây cũng là cách để rèn luyện cán bộ nhằm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng.

Ngoài ra, việc bố trí cán bộ thời gian qua tiếp tục thực hiện nguyên tắc bí thư tỉnh ủy không phải là người địa phương. “Nhiều bí thư tỉnh ủy được điều động, bổ nhiệm thời gian qua không phải là người địa phương cho thấy Đảng tiếp tục, nhất quán thực hiện chủ trương này”, ông Dĩnh nhận định.