Agribank giảm lãi suất 'mạnh tay' nhất để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do COVID-19

(Chinhphu.vn) - Theo thống kê của NHNN, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 30/9 của 16 ngân hàng là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giảm lãi nhiều nhất là 4.885 tỷ đồng.

(Chinhphu.vn) - Theo thống kê của NHNN, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 30/9 của 16 ngân hàng là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giảm lãi nhiều nhất là 4.885 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất cho vay
Ở vị trí thứ hai là Vietcombank, với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.975 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,07 triệu tỷ đồng cho 239.384 khách hàng. Đứng thứ ba là BIDV, với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.901 tỷ đồng và tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,08 triệu tỷ đồng cho 365.429 khách hàng.

Tiếp đó là các ngân hàng: VietinBank, với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.417 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,22 triệu tỷ đồng cho 533.392 khách hàng; MB, với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 602 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 109.124 tỷ đồng cho 104.036 khách hàng.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn. Dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2,78 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 28% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như công nghiệp chế biến-chế tạo, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, giáo dục và đào tạo... tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Từ lúc dịch khởi phát, NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay.

Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng thương mại chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế, gồm Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, SHB, Techcombank, ACB, VPBank, TienphongBank, Sacombank, HDBank, MSB, LienVietPostBank, SeABank, VIBank đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi cam kết giảm ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách tại các địa phương thực hiện cách ly toàn xã hội.

Nếu tính từ đầu năm 2020, hệ thống ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho 1,7 triệu khách hàng với dư nợ 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. 

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho trên 800.000 khách hàng. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng.

Huy Thắng