Tiền gửi vào ngân hàng tăng thấp kỷ lục

Sau gần nửa năm 2024, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới đạt 1,5% so với cuối năm 2023, là mức tăng thấp nhất kể từ khi số liệu này được thống kê năm 2012.

Tăng trưởng huy động vốn toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 1,5% sau nửa năm 2024. Ảnh: Nam Khánh.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, tính đến ngày 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới tăng 1,5% so với cuối năm 2023, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%.

Tính đến cuối năm 2023, tổng số dư tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đã đạt trên 13,37 triệu tỷ đồng. Với mức tăng trưởng huy động kể trên, ước tính đã có khoảng trên 200.000 tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh huy động vốn nửa đầu năm nay.

Tuy vậy, mức tăng trưởng huy động vốn 1,5% sau 6 tháng năm nay chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước, đồng thời là mức tăng huy động vốn nửa đầu năm thấp nhất kể từ khi số liệu này được thống kê (năm 2012).

Trong năm liền trước 2023, đã có gần 550.000 tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh huy động vốn sau nửa đầu năm, tương đương mức tăng ròng hơn 4,6%.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái do các nhà băng đã duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp nhất trong nhiều năm. Thậm chí, theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất huy động trong các tháng đầu năm nay còn thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Số liệu của WiChart cho biết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại lớn đã chạm đáy 4,35%/năm vào cuối tháng 3 vừa qua. Trong khi lãi suất huy động cùng kỳ hạn của nhóm ngân hàng thương mại khác và nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) cũng chạm đáy lần lượt là 4,52%/năm và 4,68%/năm vào đầu tháng 4.

Cuối tháng 6 vừa qua, ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank, cho biết sau giai đoạn duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp đầu năm, LPBank cũng đã phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để cân đối dòng tiền với hoạt động cho vay tăng trưởng rất tốt trong nửa đầu năm.

Ông Tiến cho biết đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt trên 10% và dự kiến cả năm có thể tăng 15% theo chỉ tiêu được NHNN giao. Do vậy, ngân hàng cũng rất cần vốn đầu vào.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tư nhân khác cho biết mặt bằng lãi suất huy động đã chạm đáy trong quý I và đầu quý II, khi tăng trưởng tín dụng ghi nhận dấu hiệu tích cực trở lại từ tháng 4-5, ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động để cân đối dòng vốn huy động - cho vay.

Theo thống kê, chỉ trong 2 tháng 5 và 6, thị trường đã ghi nhận hàng chục đợt tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tư nhân. Thậm chí, có ngân hàng tăng lãi suất 3-4 lần chỉ trong một tháng.

Trong khi đó, 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV vẫn duy trì biểu lãi suất huy động thấp nhất thị trường.

Các chuyên gia cho biết tiền gửi kỳ hạn dài trong hệ thống đang giảm đi, do đó việc tăng lãi suất ở kỳ hạn này sẽ giúp ngân hàng tránh tình trạng căng thẳng thanh khoản khi tín dụng phục hồi rõ nét hơn.

Sau các đợt tăng lãi suất dồn dập gần đây, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn đang ở mức thấp kỷ lục và chắc chắn đã chạm đáy.

Mặt khác, tín dụng thường hồi phục vào quý II hàng năm, nên lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1 điểm % từ nay đến hết năm.

Tương tự, các công ty chứng khoán VCBS, MBS đều đưa dự báo lãi suất huy động sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, mức tăng phổ biến khoảng 0,5-1%/năm.