Chậm triển khai 16 năm, metro số 2 Hà Nội muốn tăng vốn 16.000 tỷ đồng

Tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Thượng Đình được đề xuất điều chỉnh, trong đó tăng vốn đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.588 tỷ đồng.

Tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao được đưa vào khai thác thương mại từ ngày 8/8. Ảnh: Việt Linh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản xin ý kiến các Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 2 (dự án metro số 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này để làm cơ sở triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, dự án dự kiến dùng vốn vay ưu đãi STEP từ Chính phủ Nhật Bản để đầu tư xây dựng. Điều kiện của vốn vay STEP là nhà thầu chính là các công ty Nhật Bản hoặc liên doanh giữa công ty Nhật Bản và công ty Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư được điều chỉnh tăng từ 19.555 tỷ đồng (khoảng 131 tỷ JPY, mức phê duyệt đầu tư năm 2008) lên 35.588 tỷ đồng (tương đương khoảng 200 tỷ JPY).

Dự án metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 11/2008. Dự án có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, thực hiện từ 2009 đến 2015.

Tuyến đường sắt đô thị bắt đầu từ Nam Thăng Long (khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc tại điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.

Trên tuyến có 3 nhà ga trên cao, 7 ga ngầm, vị trí khu bảo dưỡng, sửa chữa (Depot) đặt tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410 km. Đến nay đã có tuyến Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động.

Trong quy hoạch chung đang được điều chỉnh, TP bổ sung 5 tuyến đường sắt đô thị, tổng số vốn cho 15 tuyến khoảng 55 tỷ USD.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.