Đắt-độc-lạ: Cận cảnh chiếc đồng hồ 44 tỷ, nguồn gốc rất "bí ẩn"

Sức hút của chiếc đồng hồ nhỏ bé này đang gây sốt trong giới sưu tầm. Để sở hữu chiếc đồng hồ độc bản này ít nhất phải bỏ ra 1,7 triệu USD (khoảng 44 tỷ đồng).

Chiếc đồng hồ sắp được đấu giá là một phiên bản Rolex Daytona bạch kim được chế tác vào năm 1999 – điều bất thường vì phải đến năm 2013, Rolex mới chính thức giới thiệu các mẫu Daytona làm từ bạch kim ra thị trường. Mặt đồng hồ được làm từ ngọc trai thiên nhiên, đính kèm 10 viên kim cương và không nằm trong bất kỳ bộ sưu tập thương mại nào của hãng.

Theo CNBC, đây là mẫu đồng hồ sử dụng chất liệu bạch kim, vật liệu Rolex chưa từng sử dụng cho dòng Daytona cho đến tận năm 2013.

"Vào thời điểm đó, Daytona chỉ có các phiên bản thép không gỉ, vàng vàng và vàng trắng. Việc sở hữu một chiếc Daytona bạch kim, mẫu Daytona Zenith bạch kim duy nhất được biết đến, là điều rất đặc biệt", Pedro Reiser, chuyên gia đồng hồ cao cấp tại Sotheby's, chia sẻ.

Cận chiếc đồng hồ 44 tỷ, nguồn gốc rất

Chiếc đồng hồ đắt đỏ.

Chiếc đồng hồ này càng trở nên đặc biệt hơn khi đây là sản phẩm được đặt làm riêng cho một khách hàng – điều gần như chưa từng xảy ra trong lịch sử Rolex. 

Theo ông Pedro Reiser, chuyên gia đồng hồ cao cấp của Sotheby's, việc Rolex nhận đơn hàng thiết kế riêng là cực kỳ hiếm, khác hẳn với một số thương hiệu xa xỉ khác vốn linh hoạt hơn trong việc đáp ứng yêu cầu cá nhân hóa.

Trên thế giới hiện chỉ có 4 chiếc Rolex Daytona bạch kim 1999 như vậy được biết đến, tất cả đều được làm riêng cho cùng một gia đình, mỗi chiếc có mặt đồng hồ khác nhau. Chiếc được đấu giá lần này là chiếc cuối cùng còn lại chưa bán – ba chiếc kia từng đạt mức giá trên 3 triệu USD.

Một điều khiến chiếc đồng hồ này càng được giá chính là Rolex không sản xuất đồng hồ Daytona bằng bạch kim từ năm 2013, khiến chiếc đồng hồ được đặt làm riêng năm 1999 này trở thành "hàng hiếm" trong di sản của thương hiệu.

Cận chiếc đồng hồ 44 tỷ, nguồn gốc rất

Chiếc đồng hồ thuộc "hàng hiếm".

Chiếc Daytona bạch kim này được cho là sản xuất dưới thời ông Patrick Heiniger – CEO của Rolex từ năm 1992 đến 2008. Dưới sự lãnh đạo của ông, Rolex chuyển mình mạnh mẽ và giữ kín nhiều bí mật trong hoạt động. Một số tin đồn cho rằng chính ông Heiniger là người đặt làm hoặc từng sở hữu một chiếc tương tự.

Giá trị của đồng hồ cao cấp, đặc biệt là những mẫu hiếm như chiếc Rolex này, đang tăng mạnh trong giới đầu tư xa xỉ.

Việc chiếc Rolex bạch kim 1999 được đưa ra đấu giá tại Sotheby's Geneva không phải là ngẫu nhiên. Geneva từ lâu đã là trung tâm của các phiên đấu giá đồng hồ cao cấp, nơi hội tụ giới sưu tập và đầu tư giàu có toàn cầu. Thời điểm diễn ra phiên đấu giá cũng trùng với đợt quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trẻ và trào lưu xem đồng hồ như tài sản tài chính.

Ngoài ra, tâm lý ưa chuộng các sản phẩm giới hạn và "có câu chuyện" sau đại dịch càng thúc đẩy nhu cầu sở hữu những chiếc đồng hồ độc đáo như thế này. Sotheby's hy vọng sức hút từ lịch sử và thiết kế của chiếc Rolex này sẽ giúp phiên đấu giá trở thành tâm điểm của giới đồng hồ trong năm.

Con trâu khổng lồ nặng 1500kg, có giá 103 tỷ đồngCon trâu khổng lồ nặng 1500kg, có giá 103 tỷ đồngĐỌC NGAY

Theo Znews trong bối cảnh nhiều người trẻ thắt chặt chi tiêu trước nguy cơ suy thoái, nhóm 1% giàu nhất của Gen Z vẫn mạnh tay đầu tư vào đồng hồ xa xỉ, siêu xe Ferrari và du lịch sang trọng.

Theo chỉ số Knight Frank, giá trị đồng hồ xa xỉ đã tăng hơn 125% trong thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 52,7% trong 5 năm tới, vượt xa nhiều tài sản truyền thống và chỉ đứng sau whisky hiếm và nội thất thiết kế cao cấp. Dù CEO của Rolex nhấn mạnh đồng hồ nên được xem là "sản phẩm" thay vì khoản đầu tư, thực tế cho thấy sức hút tài chính của chúng không thể phủ nhận.

Một chiếc Rolex cũ có giá trung bình 5.000 USD vào năm 2011, nhưng đến năm 2021, giá trị đã tăng vọt lên hơn 13.000 USD, mức tăng 260%, vượt xa bất động sản, vàng và thị trường chứng khoán trong cùng kỳ.

Trúc Chi (t/h)