Lần đầu tiên 26/27 cổ phiếu ngân hàng cùng tăng trần

Lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch thị trường chứng khoán ghi nhận gần như toàn bộ cổ phiếu nhóm ngân hàng đều tăng kịch biên độ.

Cổ phiếu ngân hàng duy nhất không tăng hết biên độ hôm nay là SGB của Saigonbank giao dịch trên UPCoM cũng tăng 13,56%. Ảnh: Duy Hiệu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch “như mơ” ngày 10/4. Sau thông báo tạm dừng áp thuế "có đi có lại" 90 ngày với hầu hết quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phe mua nhanh chóng áp đảo trong khi phe bán suy yếu.

Việc nguồn cung “mất hút” đã tạo điều kiện để lực cầu đẩy hàng loạt cổ phiếu tăng trần. Xu hướng này được giữ vững từ thời điểm mở cửa phiên cho đến lúc đóng cửa.

Kết phiên, VN-Index tăng 74,04 điểm (+6,8%) lên mốc 1.168,34 điểm. Đây là biên độ tăng lớn nhất từ trước đến nay kể từ thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.

Trên bảng điện tử, toàn thị trường ghi nhận 984 mã tăng (gồm 667 mã tăng trần), 550 mã giữ tham chiếu và 75 mã giảm (gồm 13 mã giảm sàn).

Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng đóng góp vào đây 30 mã tăng trần, qua đó đưa VN30-Index tăng kịch biên độ 6,9% lên 1.249 điểm.

Tình trạng hàng trăm cổ phiếu “trắng bên bán” từ sớm và kéo dài đến hết phiên khiến thanh khoản trên cả 3 sàn chỉ đạt 8.100 tỷ đồng, phần nào phản ánh tâm lý giữ chặt cổ phiếu của các nhà đầu tư.

Các cổ phiếu bluechip đem lại lực đẩy đáng kể cho nhịp tăng kỷ lục của VN-Index hôm nay.

co phieu angimex,  chung khoan hom nay anh 1

VN-Index có phiên tăng mạnh nhất lịch sử hoạt động với gần 700 cổ phiếu tăng trần. Ảnh: VietstockFinance.

Trong đó, nhóm ngân hàng vốn hóa lớn gồm VCB, BID, CTG, TCB, VPB và MBB đóng góp gần 21 điểm tăng. Riêng các cổ phiếu trụ phi tài chính như VIC, VHM, FPT hay HPG cũng góp gần 12 điểm tăng.

Phiên giao dịch hôm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử gần như toàn bộ cổ phiếu ngân hàng đều tăng kịch biên độ. Từ nhóm ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank cho tới ngân hàng nhỏ như VietBank, PGBank, BVBank... đều tăng kịch trần. Cổ phiếu ngân hàng duy nhất không tăng hết biên độ hôm nay là SGB của Saigonbank giao dịch trên UPCoM thì cũng ghi nhận mức tăng 13,56%

Xu hướng tăng lan tỏa khắp mọi nhóm ngành, ngay cả những cổ phiếu vướng tin xấu như AGM, BCG, BGE, BCR, TCD cũng tăng theo thị trường.

Tiêu biểu nhất là trường hợp mã AGM của Angimex. Trước phiên tăng trần hôm nay, cổ phiếu của “vua gạo” An Giang đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp, trước cả thời điểm ông Trump công bố mức thuế đối ứng gây "sốc" cho thị trường.

Thực tế, sóng điều chỉnh của AGM đã bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2022 và kéo dài đến nay, chủ yếu do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo này ngày càng xuống dốc.

Kể từ đầu tháng 4, cổ phiếu AGM liên tục bị bán tháo dữ dội sau khi HoSE thông tin về việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu do vốn chủ sở hữu âm, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Mới đây nhất, các tài khoản của công ty tại 3 ngân hàng gồm VietinBank, BIDV và Vietcombank - chi nhánh An Giang cũng bị phong tỏa theo yêu cầu của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Long Xuyên (An Giang).

Bất chấp hàng loạt tin tức bất lợi, cổ phiếu này vẫn tăng trần trước xu hướng mua bất chấp của các nhà đầu tư. Thanh khoản khớp lệnh của AGM cũng tăng đột biến gấp 10 lần thông thường lên 1,2 tỷ đồng. Dẫu vậy, thị giá AGM vẫn ở mức thấp kỷ lục, chỉ 2.100 đồng/cổ phiếu.

Khối ngoại hôm nay không đua lệnh bắt đáy, ngược lại bán ròng gần 1.000 tỷ đồng, tập trung tại các mã KBC (-153 tỷ đồng), TLG (-124 tỷ đồng), CTG (-90 tỷ đồng).

Tuy vậy, một phần dòng tiền ngoại vẫn gom mạnh ACB (+132 tỷ đồng), VIC (+20 tỷ đồng), TCB (+18 tỷ đồng).

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.