Lực mua mạnh mẽ kéo MXV-Index quay lại mức cao nhất trong vòng ba tuần

(Chinhphu.vn) - Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), cho biết sắc xanh bao phủ thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ngày 7/11 kéo chỉ số MXV-Index tăng 1,69% lên 2.208 điểm – mức cao nhất trong ba tuần trở lại đây.
Lực mua mạnh mẽ kéo MXV-Index quay lại mức cao nhất trong vòng ba tuần- Ảnh 1.

Đáng chú ý, toàn bộ 9 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp đều đồng loạt tăng giá, trong đó dẫn đầu là ca cao bứt phá 6,3%, cà phê Arabica và Robusta đồng loạt tăng hơn 4%.

Giá cà phê và ca cao đồng loạt tăng mạnh

Khép lại phiên giao dịch ngày 7/11, sắc xanh bao trùm trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cụ thể, giá cà phê Arabica tăng vọt 4,7%, lên mức cao nhất gần một tháng qua và giá cà phê Robusta cao hơn 4,2% so với tham chiếu nhờ sự dịch chuyển dòng tiền liên thị trường.

Lực mua mạnh mẽ kéo MXV-Index quay lại mức cao nhất trong vòng ba tuần- Ảnh 2.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chỉ số Dollar Index giảm 0,55% khi nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền khỏi các tài sản mang tính trú ẩn cao sang các thị trường đầu tư có tính sinh lời tốt hơn như thị trường hàng hóa hay chứng khoán.

Bên cạnh đó, giới phân tích trên thị trường cũng thể hiện những lo ngại rõ ràng hơn về việc mùa vụ cà phê 2025-2026 tại Brazil không thể phục hồi hoàn toàn dù mưa đã trở lại thời gian gần đây. Đặc biệt, một số khu vực trồng cà phê chính tại Brazil còn ghi nhận lượng mưa thấp hơn mức lịch sử, khiến lo ngại về khả năng phục hồi mùa vụ càng được đẩy lên cao.

Tuy nhiên, Brazil vẫn đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2024-2025 nhờ nhu cầu nước ngoài tăng cao và nguồn cung cà phê sẵn có sau vụ thu hoạch năm 2024. Theo số liệu từ Chính phủ Brazil, nước này xuất khẩu 270.332 tấn cà phê nhân trong tháng 10, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với mức 243.057 tấn vào tháng 9.

Trên thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ hiện dao động trong khoảng 107.500-108.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện gần gấp đôi từ mức 60.200-61.000 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã tăng hơn 40.000 đồng/kg so với mức 67.500-68.400 đồng/kg. 

Đối với mặt hàng ca cao, giá tăng dẫn đầu nhóm nguyên liệu công nghiệp với mức tăng 6,3% khi cũng được hỗ trợ từ việc dịch chuyển dòng tiền giữa các thị trường tài chính. Ngoài ra, sản lượng ca cao tại Ghana - quốc gia sản xuất mặt hàng này lớn thứ hai thế giới dù phục hồi một phần trong năm nay nhưng vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử.

Trong khi đó, lượng ca cao cập cảng có thể giảm trong tháng 12 tại Bờ Biển Ngà - quốc gia sản xuất mặt hàng này lớn nhất thế giới do mưa lớn và lũ lụt gần đây làm giảm chất lượng hạt. 

Lực mua mạnh mẽ kéo MXV-Index quay lại mức cao nhất trong vòng ba tuần- Ảnh 3.

Giá đậu tương tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Theo MXV, nhóm đậu tương khởi sắc mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày hôm qua và dẫn dắt đà tăng của thị trường nông sản. Giá đậu tương hợp đồng tháng 1 tăng vọt 2,24% trong phiên hôm qua, đồng thời ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh thị trường đón nhận kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ.

Theo dữ liệu từ báo cáo Bán hàng xuất khẩu (Export Sales) hôm qua của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), doanh số bán đậu tương niên vụ 2024-2025 của nước này đạt 2,04 triệu tấn trong tuần kết thúc ngày 31/10, giảm so với mức 2,27 triệu tấn của một tuần trước đó, nhưng vẫn gần với mức cao nhất của khoảng dự đoán từ giới phân tích là 1,2 - 2,2 triệu tấn. Con số này cũng cao hơn 88,7% so với dữ liệu cùng tuần năm ngoái, cho thấy nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ đang ở mức cao và tác động lên giá.

Bên cạnh đó, sự thu hẹp nguồn cung từ Brazil cũng là một tín hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu đậu tương tháng 10 của Brazil đạt 4,71 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 5,6 triệu tấn cùng kỳ năm trước, Việc sản lượng bị thiệt hại do hạn hán đã ảnh hưởng đến nguồn cung xuất khẩu của Brazil, mở ra cơ hội cho đậu tương Mỹ trên thị trường quốc tế.

Sự gia tăng nhu cầu từ Trung Quốc - nước tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới - là yếu tố góp phần hỗ trợ giá mặt hàng này trong phiên hôm qua. Dữ liệu hải quan cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 8,09 triệu tấn đậu tương trong tháng 10, mức cao nhất được ghi nhận cho giai đoạn này trong vòng 4 năm. Lũy kế trong 10 tháng đầu năm, nước này đã nhập 89,94 triệu tấn đậu tương, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dầu đậu tương là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm trong phiên hôm qua, với mức tăng lên tới 4,27%. Sự hồi phục của thị trường năng lượng cũng thúc đẩy lực mua đối với dầu đậu, khi đây là nguyên liệu đầu vào để sản xuất dầu diesel sinh học. Trong khi đó, giá khô đậu tương diễn biến giằng co trong phần lớn thời gian giao dịch và đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể.