Sân golf – nơi kết nối kinh doanh và nguồn cảm hứng cho sáng tạo
Nhiều chuyên gia nhận định, trong nền kinh tế tri thức hiện nay, sân golf là nơi lý tưởng để nảy sinh phát kiến mới, về sản xuất kinh doanh hay đổi mới sáng tạo.
Kết thúc cuộc giao lưu 18 hố ở sân golf Thủ Đức, chúng tôi nán lại Club House nhâm nhi vài li bia rồi trao đổi công việc. Anh Nguyễn Tường, doanh nhân trẻ chuyên về cung cấp giải pháp phòng cháy chữa cháy, và anh Trần Hoài - một nhà thầu xây lắp, như đã “phải lòng” nhau. Cuối cùng họ đi đến thống nhất: Với những gói thầu phòng cháy cho một số tòa nhà, bên này sẽ cung cấp thiết bị cho bên kia. Hai bên trao cho nhau cái bắt tay thật chặt và hẹn gặp lại trên sân golf vào tuần tới.
Đây không phải sự kiện lần đầu tôi chứng kiến mà trên thực tế, nhiều giao dịch kinh doanh đã được hoàn tất trên sân golf. Câu hỏi đặt ra, khi kết thúc cuộc thi đấu 18 hố họ có thể đặt niềm tin vào nhau không? Tại sao golf là một trong những cách tốt nhất để giới doanh nhân xây dựng quan hệ đối tác?
Anh Nguyễn Thành, một doanh nhân trẻ chuyên cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà bày tỏ: “So với việc dành 15 phút trong phòng họp để bán sản phẩm tới khách hàng, bạn có thể truyền đạt nhiều thông tin hơn cho người khác trong một vòng golf kéo dài hơn bốn giờ. Không gian thoáng mát, đẹp đến lãng mạn, khiến người ta hào hứng hơn khi lắng nghe nguyện vọng của nhau.”
Anh Nguyễn Huy Tiến, trưởng bộ môn golf của Sở Thể dục Thể thao Hà Nội bộc bạch: “Golf giúp cơ thể và trí não của bạn hoạt động tốt hơn, như được tiếp thêm năng lượng. Sân golf với rừng già, hồ nước và môi trường không khí bình dị, là nơi bạn có thể dễ dàng bắt đầu ý tưởng kinh doanh và trò chuyện cùng các doanh nhân khác.”
Tiến sĩ Hoàng Quế, một doanh nhân trong ngành dịch vụ nói rằng: “Bản chất của môn golf cho phép bạn khám phá những tính cách khác nhau của người chơi, đặc biệt là giới doanh nhân từ góc nhìn đa chiều. Qua phong cách chơi, chúng ta hiểu tính tình đối phương theo hướng sinh động nhất.”
Anh Quế tiếp tục: “Bạn có thể xem cách anh ấy tương tác với caddie, liệu anh ấy có khen ngợi khi bạn đánh tốt hay không? Anh ấy tức giận như thế nào khi đánh nhiều gậy? Anh ấy bày tỏ niềm vui thế nào khi được điểm giỏi? Biết những chi tiết này, bạn sẽ hiểu cách anh ấy cư xử với đối tác kinh doanh và nhân viên.”
Một hiện tượng thú vị là những người chơi golf trong và ngoài nước, phần lớn có tài sản ròng cao hoặc là CEO trong các công ty. Những doanh nhân lớn như Lê Văn Kiểm (Chủ tịch KN Group), Đào Hồng Tuyển (Chủ tịch Tuần Châu Goup) hay Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch BRG Group), đều mê golf và có thói quen xử lý công việc trên sân golf.
Các ông chủ chọn golf hay golf chọn các ông chủ? Tại sao họ không chọn các môn như quyền anh, cử tạ mà lại chọn golf?
Golf và kinh doanh đã gắn bó chặt chẽ trong nhiều thế kỷ. Từ sự phát triển của các câu lạc bộ tư nhân ở nông thôn vào cuối thế kỷ 19, đến nay mọi người dường như đã quen với việc thảo luận kinh doanh trong môi trường mở và đẹp đẽ của sân golf, thay vì văn phòng chật hẹp.
Kinh nghiệm của nhiều người cho thấy, khả năng chơi golf thành thạo và quen thuộc với nghi thức liên quan, đã trở thành điều kiện cần thiết để không ít CEO phát triển sự nghiệp. Đây là cách tốt gặp gỡ những người quan trọng, giao tiếp với thiên nhiên và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Là môn thể thao dành cho quý ông thanh lịch và lành mạnh, golf đặc biệt đòi hỏi sự tự giác của mỗi người. Nguyên tắc đầu tiên là sự lịch sự, sau đó là hệ thống chuẩn mực về văn hóa. Sự sang trọng của golf đặc biệt phù hợp với phong cách Nho giáo truyền thống của người phương Đông.
Một cựu vô địch golf nghiệp dư người Mỹ giải thích về sức hấp dẫn của golf như sau: “Chúng ta có thể vun đắp tình bạn thân thiết trên sân golf, vì phải dành bốn giờ đồng hồ với một người và bắt đầu hiểu họ. Quan sát anh ta ở môi trường khác, tốt hơn nhiều so với trong phòng họp."
Rockefeller - tỷ phú từng là số một nước Mỹ và người giàu nhất thế giới, rất mê golf. Ông chơi golf hàng ngày đến khi 90 tuổi. Ông ghi lại điểm chơi golf của mình vào một tập sách dày, có tên, thời gian và địa điểm cụ thể.
Ngày nay, những gã khổng lồ công nghệ cao cũng say mê chơi golf không kém thế hệ trước. Giám đốc điều hành Sun Microsystems - ông Scott McNealy, và nhà sáng lập Microsoft – tỷ phú Bill Gates, nổi tiếng vì có tình yêu bất hủ với golf. Họ còn được gọi là Rockefellers của thế kỷ 21.
Giống như kinh doanh, chơi golf là cách để kiểm tra khả năng đặt mục tiêu, và đạt được mục tiêu với chi phí (cú đánh) ít nhất có thể. Cũng như thương trường, sân golf không chỉ có thảm cỏ mịn màng mà còn vô số thách thức. Đó là chướng ngại vật trong bẫy cát, bóng bị ngập trong cỏ rab, thậm chí bóng rơi vào rừng rậm. Những thách thức trên sân golf, có nhiều điểm tương đồng với thương trường.
Trong một cuộc hội thảo nhân chuyến ra mắt cuốn sách “Toàn cảnh đầu tư ngành golf” do Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội golf cho biết: “Với các golfer, tất cả những gì bạn cần là trí thông minh, sự sáng tạo, sự tập trung, sự cống hiến, và rèn luyện một cách đam mê. Ở phương Tây, những công ty tạo ra lợi nhuận tổng thể lớn nhất cho cổ đông, đều được lãnh đạo bởi các CEO mắc ít lỗi khi chơi golf.”
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong nền kinh tế tri thức hiện nay, sân golf là nơi lý tưởng để nảy sinh phát kiến mới, về sản xuất kinh doanh hay đổi mới sáng tạo. Có thể nói golf là môn đặc biệt, đã mê hoặc nước Mỹ, phương Tây và giờ đây đang đổ bộ vào Việt Nam. Ai đó còn hoài nghi về sức hấp dẫn của hoạt động thể thao này, xin hẹn gặp nhau trên sân golf nhé!