
Những dịp nghỉ dài ngày, nhóm lớp vốn im lìm bỗng nhiên sôi động trở lại. Kế hoạch họp lớp nhanh chóng được đưa ra bàn bạc.
Chỉ trong vài phút, loạt tin nhắn liên tiếp hiện lên: Có người thì cảm thán thời gian trôi qua nhanh, người mong chờ gặp lại, người lại bùi ngùi tiếc nuối những chuyện xưa cũ.
Có vẻ như chỉ cần một lời gọi, những người bạn thuở học trò lại có thể cùng nhau trở về thanh xuân. Nhưng sự thật liệu có dễ dàng đến vậy? Không hẳn.
Sau những lời hỏi thăm, nhóm lớp lại rơi vào trạng thái im lặng. Có người từ đầu đến cuối không nói lấy một lời.
Nghĩ kỹ mới thấy, những người từng là bạn học thân thiết, qua năm tháng đã đổi thay. Việc gặp lại nhau, không còn khiến ai cũng cảm thấy vui vẻ như xưa.
Trong đó, khi tụ họp, có 3 kiểu người gần như mời là đến ngay, nhưng cũng có 3 kiểu người, mời thế nào cũng không đi.
3 kiểu người mời là đến1. Người thích náo nhiệt, giao lưu
Trong một tập của chương trình nổi tiếng, từng có một chủ đề tranh luận: "Sau khi tốt nghiệp, nếu bản thân chưa thành công, có nên tham gia họp lớp không?"
Phía ủng hộ đưa ra quan điểm: “Nếu lớp bạn có bác sĩ phụ sản, thầy cô tiểu học, trung học thì bạn nên đến. Dù hiện tại chưa thành công, cũng phải vì tương lai con cái mà cố gắng.”
Nghe vậy, buổi họp lớp bỗng trở thành một cơ hội để mở rộng quan hệ.
Vì thế, luôn có những người hoạt bát, thích đông vui, các buổi họp lớp đều có mặt. Họ có thể trò chuyện rôm rả với bất kỳ ai, nắm rõ tình hình của người này, nhớ kỹ quá khứ của người kia.
Lý do họ đam mê xã giao, thực chất là để tích lũy mối quan hệ, phòng khi cần nhờ vả, mong bạn bè sẵn sàng giúp đỡ.
Nhưng trong nhiều trường hợp, thực tế phũ phàng. Ai rồi cũng có cuộc sống riêng.
Trong thế giới người lớn, các mối quan hệ không còn được duy trì chỉ bằng tình cảm đơn thuần như thời đi học, mà là sự cân bằng.
Bạn có thể giúp người khác được bao nhiêu, người khác mới có thể đáp lại bạn bấy nhiêu.

Ảnh minh hoạ.
2. Người nặng tình xưa, ngại từ chối
Có người xem họp lớp là dịp giao lưu, nhưng cũng có người coi đó là một nơi để ôn lại những kỷ niệm.
Tình bạn thời học trò luôn là hồi ức đẹp nhất. Chỉ cần bạn mở lời, họ sẵn sàng xuất hiện đúng hẹn. Vì trân trọng tình bạn cũ nên họ không nỡ từ chối.
Nhưng trong nhiều trường hợp, đâu ai ngờ, khi gặp lại, bạn cũ nay đã không còn ngây thơ năm nào, thay vào đó là sự khôn khéo và toan tính.
Giống như trong bộ phim “Mùa hè của Trương Vệ Quốc”, nhân vật Trương Vệ Quốc vừa ngân nga hát vừa hào hứng đến dự họp lớp. Thế nhưng, các bạn học của anh lại thờ ơ, lạnh nhạt, ai nấy chỉ mải lấy lòng những người thành đạt.
Trương Vệ Quốc làm hậu cần ở đoàn kịch, một công việc bình thường lại bị cười cợt, mỉa mai.
Buổi họp lớp kết thúc, Trương Vệ Quốc chẳng tìm thấy chút tình cảm nào nơi bạn cũ, chỉ cảm nhận rõ rệt sự lạnh nhạt, giả tạo của họ.
Chúng ta thường xem những ký ức xưa rất quý giá, nhưng trong lòng một số người, tất cả ký ức đã sớm bị thời gian cuốn trôi.
3. Người thích thể hiện, thích khoe
Có người nói: “Giờ họp lớp chẳng khác nào một dịp phô trương, khoe khoang sự giàu có”.
Không biết từ lúc nào, nhiều buổi họp lớp đã thay đổi, bạn muốn ôn lại chuyện xưa, nhưng người khác chỉ muốn phô bày cuộc sống của mình.
Trong các buổi họp lớp, những người có cuộc sống ổn định thường là người nhiệt tình và năng nổ nhất. Bởi vì đây là dịp quá tốt để thể hiện bản thân.
Có người khoe hôn nhân hạnh phúc với người bạn đời ân cần; Có người khoe sự nghiệp thành đạt, thu nhập đáng ngưỡng mộ.
Ngay cả những người không giàu có quá nổi bật, cũng tranh thủ khoe những món đồ trang sức, túi xách hàng hiệu hay phụ kiện đắt tiền.
Tâm lý khoe mẽ bao trùm không khí, như thể những lời khen ngợi thoáng qua có thể giúp họ khác biệt hơn.
Nhưng rồi tiệc tan, ai cũng trở lại với đời sống thường nhật, chật vật với cơm áo gạo tiền, vẫn là chính mình của ngày hôm qua.
Shakespeare từng nói: Hư vinh là một thứ lừa dối và vô vị; những người có được nó, chưa chắc đã có công lao gì, còn những người đánh mất nó có thể cũng chẳng có lỗi gì.
Chúng ta chỉ cần sống tử tế trong thế giới của riêng mình, trân trọng những ngày tháng bình dị, tự vượt qua buồn vui của bản thân, mới là sự giàu có đích thực.

Ảnh minh hoạ.
1. Người không thích những cuộc xã giao giả tạo
Có người từng đặt câu hỏi trên mạng: Tại sao họp lớp càng họp càng thấy ngượng ngùng?
Một bình luận của cư dân mạng khiến người ta không khỏi đau lòng: “Người từng là bạn thân chí cốt, giờ ngồi ăn chung bàn cũng không thèm nhìn bạn lấy một lần, chỉ lo nâng ly với người xa lạ. Người ta đồn anh ta thành lập công ty, mỗi năm kiếm được rất nhiều tiền. Còn cô bạn ngày trước chẳng bao giờ ngó ngàng đến bạn, nay lại tỏ ra thân thiết lạ thường, hóa ra là vì muốn nhờ bạn giúp con cô ấy xin học”.
Nghe thật mỉa trớ trêu, phải không?
Nhiều buổi họp lớp ngày nay, chỉ có những lời hỏi thăm xã giao, sự khách sáo và gượng gạo.
Không ít người chọn không tham gia, đơn giản vì không muốn tham gia những cuộc xã giao như vậy nữa. Họ không muốn phải cố gắng nói những lời tâng bốc.
Đối với họ, nếu một buổi gặp mặt không thể đem lại sự thoải mái và chân thật, thì thà không đi còn hơn.
2. Người thành công, bận rộn
Một đạo diễn nổi tiếng từng chia sẻ trong một chương trình rằng, bản thân không mấy hứng thú với họp lớp, dù đã được mời ba lần nhưng đều từ chối.
Khi được hỏi lý do, ông trả lời thẳng thắn: “Vì đến đó không có tiếng nói chung”.
Khi còn trẻ, chúng ta cùng học cùng chơi, niềm vui nỗi buồn đều giống nhau. Nhưng giờ đây, mỗi người một nhịp sống khác biệt, chuyện buồn vui chỉ có bản thân hiểu rõ. Khi gặp nhau, cũng không biết phải nói với nhau điều gì.
Nhiều người hiểu rất rõ ràng trong việc họ muốn gì, họ không lãng phí thời gian ở những buổi tụ họp ồn ào nhưng không có ý nghĩa với họ.
Họ chọn ưu tiên: công việc, học tập, nghỉ ngơi hơn việc cố gắng hòa nhập với đám đông. Họ cho rằng, chỉ khi biết dành sức lực hữu hạn cho những điều quan trọng, bạn mới có thể khiến cuộc sống và sự nghiệp nở rộ như những đóa hoa rực rỡ.

Ảnh minh hoạ.
3. Người tập trung vào cuộc sống, hài lòng với vòng tròn nhỏ của riêng mình
Tình cờ đọc được một câu nói, tôi rất thích: “Tôi không thể khiến cả lớp đều yêu quý mình, nhưng tôi có thể thoải mái trò chuyện với vài người bạn thân”.
Khi còn đi học, chúng ta luôn mong được tất cả bạn bè yêu mến. Nhưng khi đã bước vào tuổi trung niên, sau khi chứng kiến những mối quan hệ giả tạo và lạnh nhạt, chúng ta mới hiểu, bạn bè chỉ cần chất lượng, không cần số lượng.
Từng có một cuộc phỏng vấn, phóng viên hỏi một người đàn ông: “Anh có sẵn sàng tham gia họp lớp không?”
Anh ấy trả lời: “Tôi sẽ không đi. Tôi chỉ dành thời gian để giao lưu với những người thực sự quan trọng, bạn thân, anh em thân thiết”.
Suốt hơn chục năm học, chúng ta quen hàng trăm người, nhưng số người có thể gọi là "bạn thực sự" lại không nhiều.
Nếu có thời gian rảnh, hãy dành nó để gặp những người quan trọng, làm những điều bạn yêu thích, chăm sóc cuộc sống, vòng tròn nhỏ của chính mình.
Cuộc sống không cần phải quá ồn ào, chỉ cần ấm áp là đủ. Vòng tròn bạn bè không cần quá lớn, chỉ cần đem lại sự thoải mái là đủ.
Vài người bạn thân, ngồi quây quần bên ấm trà, cùng nhau chuyện trò, cũng đủ trở thành một cuộc sống nhẹ nhàng.
Dù quá khứ có đẹp đến đâu, cũng dần phai nhạt theo dòng thời gian. Đừng mù quáng hòa nhập, cố tìm lại sự thân thiết với những người bạn đã trở nên xa cách.
Bạn vẫn phải đi trên con đường của riêng mình và sống cuộc sống của riêng mình. Chỉ cần trong lòng vẫn giữ được sự đam mê, những tháng ngày phía trước ắt sẽ rực rỡ ấm áp.
Theo Toutiao