Nhu cầu tuyển dụng tăng, áp lực đào thải lớn
Trong thời điểm kinh tế cả nước phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cơ hội tìm được việc làm tốt vẫn nhiều áp lực.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - Falmi vừa đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực của TP.HCM trong năm 2025 cần từ 310.000 - 330.000 lao động.
Nhân sự biết AI được săn đón
Vừa bước sang năm 2025 Dương lịch cũng là cao điểm thúc đẩy mua bán cho mùa Tết Nguyên đán. Hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đăng tuyển dụng lao động trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các website như CareerViet.vn, TopCV.vn, vietnamworks.com... Các vị trí chiếm phần lớn tin tuyển dụng là nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, viết nội dung giới thiệu sản phẩm, nhân viên có kỹ thuật công nghệ chạy quảng cáo Google và Facebook, nhân viên livestream trên Tiktok…
Mức lương cơ bản từ 8 triệu đồng trở lên, chưa kể hoa hồng trên doanh số. Đáng chú ý, các vị trí lương trung bình đến mức cao thường yêu cầu kỹ năng công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, AI trong công việc.
Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 88,11%. Nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 34,61%, trung cấp chiếm 20,14%, cao đẳng chiếm 14,6%, đại học trở lên chiếm 18,76%, lao động phổ thông chiếm 11,89%.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin
thị trường lao động TP.HCM
Xu hướng tuyển dụng này cũng là xu hướng chung trong năm 2024 và dự báo trong năm 2025. Theo dự báo của Falmi, năm nay, nhu cầu nhân lực tập trung cao nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ. Dự tính nhóm này chiếm 67,7% tổng nhu cầu. Tiếp theo là khu vực công nghiệp - xây dựng với 31,8%. Trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 0,5%...
Theo một khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2025, khoảng 85 triệu công việc mới sẽ được tạo ra trên toàn cầu nhờ sự phát triển của công nghệ số và tự động hóa. Một báo cáo của LinkedIn cũng cho thấy, 60% các công ty hiện nay đang tìm kiếm nhân sự có kỹ năng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và an ninh mạng.
Nhóm kinh doanh, bán hàng "khát" nhân lực nhất
Sự biến động và áp lực lớn về tìm việc xảy ra ở nhóm ngành nghề kinh doanh, trong khi ổn định ở một số nhóm ngành khác. Theo Báo cáo Thị trường tuyển dụng 2024 - 2025 do nền tảng công nghệ về tuyển dụng Top CV phát hành tháng 12-2024, nhóm ngành giữ vững tính ổn định dẫn dầu là nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), nhân sự và giáo dục.
Theo báo cáo, tính ổn định trong công việc ở nhóm ngành R&D có thể được thúc đẩy bởi nhu cầu không ngừng về đổi mới và cải tiến sản phẩm, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào đội ngũ R&D nhằm duy trì lực lượng lao động có kỹ năng chuyên môn và phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo báo cáo, Kinh doanh/Bán hàng là nhóm ngành “khát” nhân lực và nhiều biến động nhất trong 3 năm liên tiếp. Tiếp sau đó là nhóm IT - Phần mềm với nhu cầu tuyển dụng chủ yếu rơi vào nhóm ứng viên có ít nhất 2 - 3 năm kinh nghiệm và các chuyên viên từ 3 - 5 năm (12,2%).
Điều này cho thấy sự tính toán tối ưu về chi phí của doanh nghiệp cộng với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, kỹ năng, xu hướng trong 2 nhóm ngành này. Cả hai ngành tuyển dụng nhiều nhưng đào thải cũng rất nhanh. Nhân sự phải luôn luôn học cái mới và tự đào tạo chính mình mới có cơ hội tồn tại.
Ông Đinh Minh Anh -
Giám đốc Công ty Thương mại LND, TP.HCM:
Tự đào tạo để không đào thải
Nhiều năm qua, mua bán qua các mạng xã hội thu hút khách hơn các kênh truyền thống, đặc biệt trong năm vừa qua là kinh doanh trên nền tảng Tiktok. Các năm tới chưa biết sẽ ra mắt nền tảng nào. Mỗi nền tảng có một thuật toán riêng để tiếp cận hiệu quả người dùng. Do đó, nhân viên kinh doanh phải thường xuyên học hỏi, tìm hiểu, cập nhật các thuật toán này cũng như cập nhật thường xuyên các xu hướng mua sắm, xu hướng giải trí của người dùng. Nếu không tự học, tự đào tạo chính bản thân thì rất khó làm việc hiệu quả trong mảng bán hàng, quảng cáo…
Bà Phan Hoàng Oanh -
chuyên gia về xây kênh bán hàng:
Nghề xây kênh đang “hot”
Tôi đã từng làm nhân viên kinh doanh cho một doanh nghiệp ngành thẩm mỹ. Sau đó tôi tự cảm thấy mình ngày càng cũ đi. Vì vậy tôi đã học thêm nhiều khóa học online, miễn phí cũng có, nâng cao có thu phí cũng có… chuyên về bán hàng, xây kênh bán hàng. Trong xu hướng nhà nhà, người người đua nhau bán hàng nhưng phần lớn không nắm được kỹ thuật, công nghệ để xây kênh bán hàng thì việc hỗ trợ xây kênh cho các cá nhân bán hàng là việc “hot”. Sau khi học, tôi đã xây nhiều kênh bán hàng online cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân từ bán điện thoại di động đến bán quần áo, thực phẩm chứ không chỉ dừng lại ở một ngành thẩm mỹ.