Vay thế chấp bằng tài sản trí tuệ: Bài học cho Việt Nam

Các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Mỹ, Đức và Hàn Quốc đã triển khai thành công các mô hình cho vay dựa trên tài sản trí tuệ.
Xu hướng

Vay thế chấp bằng tài sản trí tuệ: Bài học cho Việt Nam

Hoàng Thi - Hưng Khánh • 17/12/2024 - 06:38

Các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Mỹ, Đức và Hàn Quốc đã triển khai thành công các mô hình cho vay dựa trên tài sản trí tuệ.

85940680.jpgSản phẩm trí tuệ là loại tài sản thế chấp phổ biến ở nhiều quốc gia

Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về số lượng đăng ký sáng chế, với hơn 1,5 triệu bằng vào năm 2020, gấp hai lần Mỹ. Điều này phản ánh sự chú trọng vào đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường toàn cầu.

Lý giải sự thành công, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái cho vay dựa trên sở hữu trí tuệ một cách đồng bộ, bao gồm văn phòng sở hữu trí tuệ vận hành bởi cơ quan nhà nước, các tổ chức tài chính, đơn vị định giá và công ty bảo hiểm, tạo thành một hệ sinh thái đa dạng. Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc, hệ sinh thái này đã giúp các công ty vay vốn thành công bằng sở hữu trí tuệ lên đến 309,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 43,69 tỷ USD) vào năm 2021.

Việt Nam nên học tập từ mô hình của Trung Quốc thông qua việc thành lập các trung tâm giao dịch sở hữu trí tuệ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đây là nơi các DN và ngân hàng có thể kết nối và dễ dàng khi thực hiện giao dịch, lâu dài sẽ tạo thành hệ sinh thái mở. Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm bảo hiểm sở hữu trí tuệ cũng được coi là một bước đi quan trọng. Cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các công ty bảo hiểm trong nước xây dựng sản phẩm bảo hiểm cho sở hữu trí tuệ, tạo thêm sự an tâm cho các bên liên quan khi sử dụng sở hữu trí tuệ làm tài sản thế chấp.

Việt Nam nên thành lập các trung tâm giao dịch sở hữu trí tuệ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đây là nơi các DN và ngân hàng có thể kết nối và dễ dàng khi thực hiện giao dịch, lâu dài sẽ tạo thành hệ sinh thái mở.

Ngay sau Trung Quốc, Mỹ là thị trường sở hữu trí tuệ lớn thứ hai thế giới. Các thành công đến từ sự hỗ trợ của các trung tâm nghiên cứu, tổ chức thẩm định độc lập và thị trường thứ cấp năng động. Mỹ đi đầu trong việc tích hợp sở hữu trí tuệ vào hệ thống tài chính, nhờ vào khung pháp lý rõ ràng về quyền sở hữu, định giá và giao dịch sở hữu trí tuệ. Các quy định này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho việc sử dụng sở hữu trí tuệ trong các giao dịch tài chính.

Để cánh cửa giao dịch tài chính thông qua sở hữu trí tuệ được rộng mở, Việt Nam cần học hỏi cách xây dựng thị trường thứ cấp năng động như tại Mỹ. Thị trường thứ cấp sở hữu trí tuệ của quốc gia này được triển khai từ rất sớm, cho phép các ngân hàng bán lại hoặc khai thác sở hữu trí tuệ khi DN không thể trả nợ.

Ngoài ra, tại Mỹ, việc gắn kết định giá sở hữu trí tuệ với các quỹ đầu tư mạo hiểm đã giúp các DN khởi nghiệp của quốc gia này dễ dàng tiếp cận vốn từ các nguồn khác, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng truyền thống. Điều này đã đưa sở hữu trí tuệ vào dòng tiền của DN ngay từ khi mới thành lập, giúp hỗ trợ sự phát triển của các mô hình kinh doanh.

TS. Nguyễn Hữu Thi - chuyên gia: Cần xây dựng một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia

5.jpg

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong việc hỗ trợ DN vay vốn bằng tài sản trí tuệ. Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng tài sản trí tuệ chuyên cung cấp bảo lãnh tín dụng dựa trên tài sản trí tuệ của DN. Cùng với đó, Cơ quan Đánh giá Tài sản trí tuệ Hàn Quốc thực hiện việc định giá tài sản trí tuệ theo các tiêu chí minh bạch, giúp giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng cho vay. Hàn Quốc cũng sử dụng các chuyên gia độc lập trong nhiều lĩnh vực để định giá thương hiệu, sáng chế và bản quyền, giúp gắn kết tài sản trí tuệ với khả năng sinh lời và dòng tiền của DN.

Mô hình hoạt động của Hàn Quốc hoàn toàn có thể cân nhắc áp dụng tại Việt Nam. Cụ thể, xây dựng một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia dành riêng cho tài sản trí tuệ. Quỹ này sẽ hoạt động như một công cụ tài chính, giúp DN có thể sử dụng xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia dành riêng cho tài sản trí tuệ làm tài sản đảm bảo để vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, nên thành lập một cơ quan định giá tài sản trí tuệ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp cùng các ngân hàng thương mại để đưa ra các tiêu chí định giá rõ ràng, giúp minh bạch hóa quy trình định giá, đảm bảo tính công bằng và chính xác.

Ông Tobias Oelsner - Chánh án Tòa án Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức: Minh bạch trong việc đăng ký quyền sở hữu là yếu tố then chốt

4.jpg

Dựa trên kinh nghiệm của Đức, minh bạch trong việc đăng ký quyền sở hữu là yếu tố then chốt giúp sở hữu trí tuệ trở thành tài sản đáng tin cậy trong giao dịch tín dụng. Cụ thể, Đức áp dụng hệ thống đăng ký quyền sở hữu đối với nhiều loại tài sản trí tuệ, bao gồm sáng chế, nhãn hiệu và quyền thiết kế. Hệ thống này tạo ra cơ chế công khai và minh bạch, giúp các bên dễ dàng kiểm tra quyền sở hữu trước khi giao dịch bảo đảm.

Quản lý đăng ký không chỉ xác nhận quyền sở hữu mà còn bảo vệ quyền lợi của các bên trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Nếu tài sản trí tuệ được dùng làm tài sản bảo đảm, pháp luật Đức cho phép các bên có quyền ưu tiên đối với tài sản này khi có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc khi bên vay không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính. Pháp luật Đức cũng quy định rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, bảo đảm rằng bên nhận bảo đảm có thể thu hồi giá trị tài sản trong trường hợp cần thiết mà không gây tổn hại đến quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.