Sự mù mờ của thị trường thịt lợn, ai chịu trách nhiệm?

Chúng tôi đặt ra vấn đề, kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ có những hành động cụ thể để người nông dân bớt thiệt thòi và người tiêu dùng cũng không còn mệt mỏi vì những bữa cơm có thịt.

Sự mù mờ của thị trường thịt lợn, ai chịu trách nhiệm? - 1

Những biến động mạnh của giá thịt lợn trong thời gian gần đây đang thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân trên cả nước. Điều này dễ hiểu vì thịt lợn là cấu phần quan trọng trong bữa ăn gia đình. Tập quán của người Việt vẫn ưu tiên sử dụng thịt lợn hơn so với thịt bò, thịt gà và các loại thực phẩm khác.

Oái oăm là theo ghi nhận của phóng viên , 10 tháng qua, giá lợn hơi liên tục biến động, "rơi" tự do và chỉ có lần tăng duy nhất vào dịp cận Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao khiến "thượng đế" chỉ có thể "lên ti vi" mua thịt lợn rẻ.

Nói cách khác là thị trường đang diễn biến theo hướng bất lợi cho cả người nông dân nuôi lợn lẫn người tiêu thụ cuối cùng. Bán rẻ, mua đắt - có lý nào lại thế? Vậy ai đang hưởng lợi trong chuỗi cung ứng này?

Rất dễ để đưa ra nhận định "khâu trung gian" là bên hưởng lợi. Song "khâu trung gian" cụ thể là ai? Có rất nhiều khâu trung gian từ chuồng nuôi đến bàn ăn, đó là thương lái, là lò mổ, là bên vận chuyển hay là tiểu thương ở chợ? Mỗi cấp trung gian "ăn" một chút, vậy là giá đầu ra đẩy bị đẩy lên.

Ngoài các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thị trường nằm trong tay những doanh nghiệp lớn, họ cung ứng từ "gốc tới ngọn", từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm chế biến sẵn, bày bán trong siêu thị. Vậy, sau khi lược bớt các khâu trung gian, giá bán của những doanh nghiệp này tới tay người tiêu dùng có rẻ hơn không?

Trả lời báo Tiền phong Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan khi nói với báo chí về tình hình thị trường thịt lợn đã bình luận "nền sản xuất của mình mù mờ, tiêu dùng mù mờ, trung tâm phân phối cũng mù mờ… nhiều điểm mù mờ gặp nhau nên vậy" (Tiền Phong, 25/10).

Ông Hoan tự nhìn nhận, ngành nông nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm, chưa dự báo tốt thị trường ngay cả trong điều kiện bình thường, còn trong điều kiện bất thường như Covid-19 càng khó dự báo, vì không biết khi nào chấm dứt. "Vấn đề này cần được chấn chỉnh lại", ông Hoan nói.

Như vậy, dường như đang có sự lúng túng trong điều hành. Chẳng phải chờ đến thời điểm hiện tại mà suốt nhiều năm nay biến động cung - cầu thất thường với mặt hàng thịt lợn nói riêng, nông sản nói chung đã trở thành "đặc sản" của ngành này. Lúc thì giá tăng quá cao, lúc lại cần giải cứu, và nay lại vừa lo "giải cứu" nông dân lại vừa lo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành gần đây đã đánh giá: mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý. Việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết, bởi nó ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.

Theo người viết, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế yếu kém của nền nông nghiệp là khâu kế hoạch sản xuất, tiêu thụ.

Nếu các nước phát triển, định kỳ hàng năm, hàng quý họ sẽ có quy hoạch rõ sản lượng nuôi trồng nông sản, vật nuôi, có đấu thầu cụ thể đến từng trang trại nuôi trồng, thì ở ta hầu như vẫn là "mạnh ai nấy thắng". Lúc giá cao thì chạy đua sản xuất, mất một độ trễ về thời gian, đến lúc cung dư thừa thì giá lao dốc, các bên rủ nhau đi… giải cứu! Đó là chưa nói đến việc các sản phẩm kích thích tăng trọng được bán tràn lan, quá trình nuôi không được kiểm tra giám sát thường xuyên về vệ sinh, dư lượng thuốc thú y…

Về thông tin về tồn đọng 8 triệu con lợn trong chuồng, trả lời báo Tiền phong ngày 25.10, Bộ trưởng Hoan cho biết đó là thông tin không chính xác, khiến người nông dân lo ngại và họ phải bán nhanh, bán tháo bằng mọi giá. Nếu quả đúng như vị Bộ trưởng nói thì tin tức này (vốn dẫn nguồn Bộ NN&PTNN) là từ đâu ra? Gây nhiễu loạn thị trường thì ai chịu trách nhiệm?

Như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã nhấn mạnh: Vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước.

Vai trò định hướng và giám sát của cơ quan quản lý (Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương) là rất quan trọng. Vậy vai trò của Bộ Công Thương ở đây là gì cũng cần làm rõ.

Người làm báo không suy diễn vấn đề, càng không thể áp đặt thông tin lên thị trường, nhưng chúng tôi đặt ra vấn đề, kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ có những hành động cụ thể để người nông dân bớt thiệt thòi và người tiêu dùng cũng không còn mệt mỏi vì những bữa cơm có thịt.

Bích Diệp