Với những người đang có công việc, khoảng thời gian này là lúc nô nức sắm Tết, háo hức trông ngóng 2 tiếng "ting ting". Còn với những người đang thất nghiệp, câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Không có lương nên cũng chẳng mong có thưởng, chỉ ngóng mỗi 1 lời hẹn "ra Tết đi làm em nhé"!
"Có hẹn" rồi mới dám sắm TếtTháng 4/2024, Thanh Hà (31 tuổi) quyết định xin nghỉ việc sau 6 tháng nghỉ thai sản. Lý do đơn thuần là muốn dành thời gian chăm sóc con nhỏ.
Dù cũng có tiếc công việc ổn định, đang trên đà thăng tiến, nhưng cô chô biết: "Ban đầu, mình không hề định nghỉ việc để nhà chăm con, nhưng đi làm lại được 2 tháng thì con ốm, phải nhập viện 2 lần tổng cộng 12 ngày.
Nghĩ thấy xót con quá, nên mình quyết định nghỉ việc. Chứ thuê người chăm con, mình cũng không yên tâm nên không thể tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc, mà con thì ốm. Thế là lỡ dở chẳng việc nào được như ý mình".
Sau khi nghỉ việc, Thanh Hà vẫn thi thoảng nhận thêm công việc freelancer đúng chuyên môn, nhưng các công việc chỉ là ngắn hạn, không cố định nên thu nhập cũng có phần bấp bênh.
Đến hiện tại, Thanh Hà đã "thất nghiệp chủ động" hơn 9 tháng. Sau Tết, cô dự định cho con đi nhà trẻ. Công cuộc rải CV của bà mẹ 1 con cũng vì thế mà rục rịch bắt đầu từ cuối tháng 11.
Ròng rã suốt gần 2 tháng, cuối cùng, Thanh Hà cũng tìm được một công việc mà cô cho là phù hợp, về cả thời gian lẫn mức thu nhập.
"HR đã gửi mail và gọi điện thông báo mình sẽ bắt đầu đi làm vào 10/2 tới đây. Nghe mà thở phào. Dù chưa có gì chắc chắn vì mình vẫn phải thử việc 2 tháng, nhưng tầm này đi xin việc mà được nhận là cũng mừng. Có hẹn xong mới dám rón rén sắm Tết" - Thanh Hà chia sẻ.
Được biết, kể từ khi gia đình chỉ còn 1 nguồn thu nhập từ lương của ông xã, vấn đề chi tiêu được Thanh Hà cắt giảm tối đa, để còn có tiền tiết kiệm phòng khi bất trắc. Tết này, cô cho biết vợ chồng đã thống nhất chỉ chi 16 triệu, giảm hẳn 1 nửa so với Tết năm ngoái - khi gia đình vẫn còn 2 nguồn thu nhập.
Các khoản chi cụ thể được cô chia sẻ như sau:
- Biếu ông bà nội - ngoại: 10 triệu ( 5 triệu/bên)
- Đi lại (thuê taxi về quê nội - ngoại, trở lại Hà Nội): 1,8 triệu
- Lì xì các cụ, các cháu: 2 triệu
- Mua bánh chưng, bánh kẹo mang về quê: 1,2 triệu
"Những năm trước khi mình còn đi làm, lương thưởng 2 vợ chồng ổn thì có năm tiêu hết 30-40 triệu cho Tết, cũng chủ yếu là tiền biếu ông bà 2 bên và phụ ông bà sắm Tết. Năm nay thì mình nghỉ làm, nên mọi thứ đều phải tối giản lại. Vợ chồng không sắm sửa gì cho bản thân cả, tiền biếu ông bà cũng giảm nhưng ông bà cũng thông cảm chứ không trách" - Thanh Hà chia sẻ.
"Cứu cánh" dịp Tết của người thất nghiệp gói gọn trong 3 từKhông là gì khác, ngoài "quỹ dự phòng". Trải qua 9 tháng thất nghiệp, Thanh Hà càng thấm thía tầm quan trọng của quỹ dự phòng. Cô cho biết nếu chỉ trông vào mỗi tiền lương và tiền thưởng tháng Tết của chồng, mà không có quỹ dự phòng, thì cuộc sống của gia đình cũng khá bấp bênh.
"Trước Tết, chúng mình phải đóng 2 tháng tiền nhà, thanh toán 1 vài khoản dư nợ, không quá nhiều nhưng cũng hơn chục triệu. Nếu không có tiền dự phòng thì không biết ra Tết, vợ chồng, con cái lấy gì mà tiêu nữa" - Thanh Hà chia sẻ.
Dù không tiết lộ mức thu nhập của ông xã, nhưng cô cho biết hàng tháng, gia đình đều cố gắng dành ra 3 triệu để phòng khi bất trắc. Vợ chồng có thể giảm ăn, giảm chơi chứ nhất quyết không giảm khoản dự phòng này. Đến cuối năm, cũng dư được hơn 25 triệu. Gánh nặng tiền tiêu Tết nhờ thế mà cũng giảm đi phần nào.
Nếu bạn chưa biết: Quỹ dự phòng (hay còn gọi là quỹ khẩn cấp) là khoản tiền được trích ra từ thu nhập hàng tháng, dùng để phục vụ cho những sự kiện rủi ro bất ngờ. Số tiền này không phải để mua xe, mua nhà, hay cho những chuyến du lịch,...
Nói cách khác, quỹ dự phòng không phải là khoản quỹ dùng để chi tiêu cho các nhu cầu đã hoạch định từ trước, cũng không phải là khoản tiền phục vụ các mục tiêu lớn trong tương lai dài hạn.