Tiềm năng hợp tác phát triển của fintech và ngân hàng số

Hợp tác cùng có lợi giữa các công ty fintech và hệ thống ngân hàng đang trở thành xu thế, đặc biệt trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ hiện nay.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng khẳng định sức mạnh của công nghệ đối với nhiều mặt đời sống, trong đó có ngành tài chính - ngân hàng. Việc chủ động tích hợp fintech (công nghệ tài chính) vào kinh doanh cho phép các ngân hàng số nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Fintech trong nền công nghiệp tài chính hiện đại

Thị trường chuyển dịch mạnh mẽ, kéo theo sự xuất hiện của các công ty fintech. Fintech đã góp phần thay đổi cục diện ngành công nghiệp dịch vụ tài chính khi mang tới nhiều lợi thế về tốc độ, tính đơn giản, hiệu quả, khả năng cá nhân hoá và trao quyền cho khách hàng.

Theo báo cáo “Fintech và Ngân hàng số” do Ngân hàng Quân đội - MBBank phát hành đầu tháng 10, fintech hình thành và phát triển theo 3 giai đoạn chính, gồm: Fintech 1.0 - giai đoạn chuyển từ dịch vụ tài chính dựa trên công nghệ tương tự (analog technology) sang công nghệ điện tử (digital technology); Fintech 1.5 - giai đoạn phát triển các dịch vụ tài chính kỹ thuật số truyền thông; Fintech 2.0 - giai đoạn dân chủ hoá kỹ thuật số trong dịch vụ tài chính.

MBBank anh 1

Sự phát triển của fintech thúc đẩy ngành tài chính - ngân hàng chuyển biến tích cực.

Tốc độ phát triển nhanh của mảng fintech thể hiện rõ qua những số liệu thực tế về hoạt động đầu tư vào fintech thời gian qua. Báo cáo do MBBank phát hành cho thấy thị trường fintech tại Việt Nam năm 2020 đã thu hút hàng trăm triệu USD trong 4 thương vụ kêu gọi vốn thành công. Ước tính, tổng giá trị thị trường fintech ở Việt Nam đạt khoảng 7,8 tỷ USD năm 2020 (năm 2017 chỉ là 4,4 tỷ USD). Mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của ngành là 21%.

Làn sóng fintech đã tạo ra một cuộc đua mới trên thị trường tài chính. Mảng công nghệ tài chính đã thúc đẩy các sản phẩm sáng tạo cao, cung cấp những tiện ích cho khách hàng, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho các nhóm đối tượng mới. Điều này đã tác động mạnh mẽ lên hoạt động của ngành tài chính, thay đổi kênh phân phối, cơ cấu sản phẩm của các ngân hàng truyền thống cũng như trở thành động lực để các ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số.

Mối quan hệ đối tác giữa ngân hàng và fintech

Báo cáo “Fintech và Ngân hàng số” chỉ ra các ngân hàng truyền thống dù có lịch sử và thương hiệu lâu năm, mạng lưới hoạt động rộng lớn và lợi thế về lượng dữ liệu khách hàng… vẫn luôn có độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty fintech. Do đó, việc hợp tác giữa ngân hàng và công ty fintech sẽ tạo sự cộng hưởng sức mạnh, không chỉ mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng mà còn thúc đẩy hệ thống tài chính đạt những thành tựu mới.

MBBank anh 2

Chiến lược hợp tác giữa công ty fintech và ngân hàng truyền thống sẽ thúc đẩy ngành tài chính đạt những thành tựu mới.

Cụ thể, có 4 phương án hợp tác chủ yếu giữa ngân hàng và công ty fintech, gồm: Hoàn thiện giao diện và kênh tương tác khách hàng; số hoá quy trình; phân tích dữ liệu lớn (big data analytics); mở rộng và phát triển sản phẩm đa dạng.

Cũng theo báo cáo “Fintech và Ngân hàng số”, MBBank đã hợp tác Boomerang Technology từ năm 2017 để ra mắt eMBee Fanpage. Sản phẩm cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính như tra cứu số dư, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, vay vốn qua tương tác với robot eMBee trên ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger.

Bên cạnh đó, ngân hàng này đã lựa chọn Temenos Infinity Wealth để cung cấp dịch vụ quản lý tài sản kỹ thuật số cho khách hàng. MBBank tích hợp Temenos Infinity Wealth cùng sản phẩm ngân hàng lõi Temenos Transact để mang lại giải pháp quản lý tài sản đầu cuối. Công nghệ dựa trên nền tảng điện toán đám mây và API của Temenos giúp ngân hàng này có thể cung cấp dịch vụ dành cho những cá nhân có tài sản cao trong thị trường quản trị tài sản đang phát triển tại Việt Nam.

Để đạt được hiệu quả hợp tác giữa hai bên, báo cáo cũng nêu ra 3 vấn đề ngân hàng cần lưu ý, gồm: Phát triển đội ngũ nhân sự công nghệ trong ngân hàng; phát triển mô hình hợp tác với phương pháp tiếp cận “Fail-fast approach”; và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ cùng quy trình hiện đại, phù hợp khi kết hợp với những công ty fintech.

Với những lợi thế và tiềm năng đó, sự kết hợp giữa ngân hàng và các công ty fintech được dự đoán tiếp tục phát triển mạnh, mở rộng ra nhiều lĩnh vực và kỳ vọng tạo bước đột phá trong tương lai.

Để hiểu thêm mối liên kết giữa ngân hàng số và công ty fintech qua góc nhìn của các chuyên gia hàng đầu, độc giả có thể tham khảo báo cáo tại đây.