Ung thư không tấn công bừa bãi mà đặc biệt "để mắt" đến 3 nhóm người sau

Dù nằm trong bất cứ nhóm nào, bạn cũng cần có những hành động kịp thời để bảo vệ mình khỏi nguy cơ mắc ung thư.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2022, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ ba toàn cầu với hơn 1,9 triệu ca mắc mới. Điều đó có nghĩa là cứ mỗi 16 giây lại có một người được chẩn đoán mắc bệnh. Căn bệnh này cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ hai thế giới với hơn 900.000 người tử vong mỗi năm.

Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đang là căn bệnh đáng báo động khi số ca mắc mới không ngừng tăng, đặc biệt ở người trẻ tuổi.

“Ung thư đại trực tràng không tấn công bừa bãi, mà đặc biệt 'ưu ái' những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Vì vậy, việc phân loại nguy cơ chính là chìa khóa để biết khi nào cần tầm soát và nên hành động ra sao”, TS.BS Phạm Bình Nguyên – chuyên gia tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai – nhấn mạnh.

Ung thư không tấn công bừa bãi mà đặc biệt "để mắt" đến 3 nhóm người sau- Ảnh 1.

Ung thư đại trực tràng (ảnh minh hoạ).

3 nhóm người có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng thường được chia thành ba nhóm nguy cơ: thấp, trung bình và cao, với mức độ khuyến cáo tầm soát khác nhau.

Nhóm nguy cơ thấp

Là những người không có triệu chứng bất thường (như đi ngoài ra máu, sụt cân không rõ nguyên nhân, thay đổi thói quen đại tiện); không có tiền sử viêm ruột mạn tính; không có người thân mắc ung thư đại trực tràng.

Tuy nhiên, dù thuộc nhóm nguy cơ thấp, bác sĩ Nguyên lưu ý mọi người vẫn không nên chủ quan bởi ung thư đại trực tràng thường tiến triển âm thầm và khó phát hiện ở giai đoạn sớm nếu không chủ động tầm soát. Theo bác sĩ Nguyên, người thuộc nhóm này nên làm xét nghiệm phân tìm máu ẩn (FIT) hàng năm từ 45 tuổi và nội soi đại tràng 10 năm/lần.

Nhóm nguy cơ trung bình

Bao gồm những người trên 50 tuổi (nguy cơ tăng theo tuổi); có chế độ ăn nhiều thịt đỏ, ít rau xanh; lười vận động; có các triệu chứng nhẹ như đau bụng lâm râm, thi thoảng thay đổi thói quen đại tiện.

Theo bác sĩ Nguyên, người thuộc nhóm nguy cơ trung bình cần cẩn thận nhưng chưa cần báo động. Bác sĩ Nguyên khuyến cáo nhóm người này cần xét nghiệm FIT hàng năm bắt buộc, nếu có bất thường thì nội soi đại tràng ngay.

Nhóm nguy cơ cao 

Bao gồm những người có người thân từng mắc ung thư đại trực tràng; đã từng có polyp đại tràng hoặc có tiền sử ung thư đại trực tràng; mắc bệnh viêm ruột mạn tính (như Crohn hoặc viêm loét đại tràng); xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đi ngoài ra máu, sụt cân nhanh, thiếu máu không rõ nguyên nhân.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo những người thuộc nhóm nguy cơ cao cần nội soi đại tràng ngay, không chần chừ, không trì hoãn.

Giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng: Không khó nếu chủ động

“Để giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, chúng ta không cần làm điều gì quá to tát, chỉ cần chăm sóc bản thân như chăm một cái cây”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Theo đó, vị chuyên gia tiêu hóa gợi ý mọi người cần chủ động thực hiện những điều sau đây:

- Ăn uống lành mạnh: Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế thịt đỏ, đồ nướng cháy xém – loại thực phẩm không hề “thân thiện” với ruột.

- Tăng cường vận động: Mỗi ngày chỉ cần đi bộ 30 phút đã giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.

- Tránh xa thuốc lá, rượu bia: Đây là những “kẻ phá hoại thầm lặng” làm tăng nguy cơ ung thư.

“Quan trọng hơn cả, mỗi người nên biết mình thuộc nhóm nguy cơ nào để có kế hoạch kiểm soát sức khỏe phù hợp. Đừng để ung thư đại trực tràng có cơ hội “ra tay”!””, bác sĩ Nguyên cho hay.

Tầm soát chủ động là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất – đặc biệt với người từ 45 tuổi trở lên hoặc có tiền sử gia đình. Nội soi đại tràng hay xét nghiệm FIT là những phương pháp đơn giản, ít xâm lấn nhưng lại có thể phát hiện sớm polyp. Polyp đại tràng có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyên, nếu được cắt bỏ kịp thời, nguy cơ tiến triển thành ung thư sẽ giảm tới 90%.

Ngọc Minh