Từ bao đời nay, nhân loại chưa từng nguôi giấc mơ chinh phục vũ trụ bao la. Vượt qua những nỗ lực sơ khai như phóng thuốc súng lên trời cao, công nghệ hàng không vũ trụ hiện đại đã rút ngắn khoảng cách giữa chúng ta và miền không gian thăm thẳm. Thế nhưng, khi những người tiên phong thực sự đặt chân lên lãnh địa xa xôi ấy, một cảm xúc trái ngược với sự háo hức thường trực lại ập đến: nỗi hoảng sợ.
Khi ranh giới sự sống và cái chết mong manh đến tột độ
Hành trình vào vũ trụ dù thú vị nhưng cũng đầy thách thức khi các phi hành gia phải đối diện với vực sâu hun hút, nơi lằn ranh sinh tử trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Quyết tâm dấn thân vào sứ mệnh cao cả đồng nghĩa với việc các phi hành gia phải đặt cược cả mạng sống của mình.
Khung cảnh ngoài vũ trụ là một thực tại vượt xa mọi hình dung. Trở về Trái Đất, không ít người đã từ chối hoặc không thể mô tả được chính xác cảm xúc của mình ngoài không gian. Bởi lẽ, đó là một cảm giác "lạ lùng đến mức không thể diễn giải bằng lời, hoàn toàn không giống bất kỳ cảm xúc nào họ từng trải qua từ trước đến nay".
Rõ ràng, khi chiêm ngưỡng toàn cảnh hành tinh của chúng ta, các phi hành gia không khỏi xúc động và choáng ngợp. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những cảm xúc tích cực về khung cảnh này. Phi hành gia Trung Quốc Lưu Dương, với cụm từ “bóng tối không đáy của không gian”, đã khắc họa một khía cạnh khác của sự rộng lớn vũ trụ: sự cô đơn và nỗi sợ hãi tột cùng.

Ảnh minh họa
Để hình dung một cách dễ hiểu nhất về những gì diễn ra nơi vũ trụ bao la, đa số đều đồng tình rằng sự tĩnh lặng và hoang vu ở đó mang một màu sắc "tối tăm" và "kinh hoàng".
Phi hành gia Trung Quốc Lưu Dương đã thẳng thắn chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng bóng tối của không gian là "không đáy và không thể diễn tả được". Hòa quyện với sự cô tịch của những vì sao lơ lửng, bầu không khí ấy thực sự gieo vào lòng người một nỗi sợ hãi khôn nguôi.
Người đồng nghiệp kỳ cựu khác của Lưu Dương là Vương Á Bình cũng khắc sâu ấn tượng về “bóng tối im lặng” và “ánh sáng yếu ớt” trong không gian. Bà cho biết nó đã khơi dậy trong mình một nỗi kinh hoàng “chưa từng có”. Nữ phi hành gia Trung Quốc đầu tiên đi bộ ngoài không gian không giấu được sự ám ảnh: “Cảm giác khi đi bộ ngoài không gian giống như rơi xuống vực thẳm và không thể tự thoát ra được. Không có gì đáng sợ hơn việc một mình đối mặt với sự rộng lớn của vũ trụ”.
Trải nghiệm của Trác Chí Cương, một trong ba người đã đưa tàu Thần Châu 7 lên vũ trụ năm 2008, cũng không kém phần đáng sợ. Anh mô tả sự "yên tĩnh chết chóc" và môi trường "tối đen" trong không gian mang đến một cảm giác "như bị thôi miên". Cảm xúc lúc đó, dù có dây an toàn bảo vệ, vẫn là cảm giác "như bị nuốt chửng xuống vực thẳm", khiến toàn thân không khỏi "tê dại và rùng rợn".
Hiệu ứng toàn cảnh: Vẻ đẹp choáng ngợp hay vực sâu thăm thẳm?
Trong hành trình khám phá vũ trụ bao la, các phi hành gia là những người có được trải nghiệm cá nhân sâu sắc nhất về những bí ẩn nơi đó. Họ là những nhân chứng đầu tiên của toàn cảnh Trái Đất. Kể từ khi nhân loại có khả năng chiêm ngưỡng địa cầu từ một khoảng cách chưa từng có, khái niệm "hiệu ứng toàn cảnh của vũ trụ" đã ra đời.
Được đề xuất lần đầu bởi nhà triết học không gian Frank White vào những năm 1980, hiệu ứng này đề cập đến sự thay đổi nhận thức sâu sắc khi con người nhìn thấy Trái Đất ở quy mô vĩ mô bằng chính đôi mắt của mình.
Từ không gian, người ta có thể thấu hiểu một chân lý mà nhân loại đã trăn trở hàng ngàn năm: Trái Đất là một chỉnh thể thống nhất, mọi thứ đều liên kết và chúng ta là những phần không thể tách rời của sự toàn vẹn đó. Frank White đã có được trải nghiệm này khi ông ở một độ cao đủ để bao quát toàn bộ hành tinh xanh.

Ảnh minh họa
“Vùng đất rộng lớn ban đầu trở nên nhỏ bé trước mắt chúng ta. Những ngọn núi biến mất trong nháy mắt và chỉ có kích thước bằng ngón tay cái. Những thành phố mà con người sinh tồn lại càng trở nên tầm thường… Vào thời điểm đó, ranh giới giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị xóa bỏ. Mọi thứ trên thế giới dường như đã mất đi ý nghĩa ban đầu”, nhà triết gia viết. White thừa nhận mình "chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng như vậy" và cho rằng nó "nằm ngoài tầm hiểu biết của con người".
Trong cuốn sách "Hiệu ứng toàn cảnh của vũ trụ: Khám phá không gian và sự tiến hóa của loài người" xuất bản năm 1987, ông đã ghi lại những cuộc phỏng vấn với các phi hành gia, nhà khoa học và những người đã tận mắt chứng kiến Trái Đất từ không gian.
Phi hành gia người Mỹ Sandra Magnus chia sẻ: "Nhìn qua cửa sổ, bầu không khí rất mỏng. Điều này khiến tôi nhận ra rằng chúng ta đang sống trên một quả bóng có sự sống mong manh như vậy".
Cảm xúc của chỉ huy Apollo 14 Alan Shepard thì bộc trực hơn: “Khi tôi đứng trên mặt trăng và nhìn trái đất lần đầu tiên, tôi đã khóc”.
Nguồn: Sohu