![]() |
VN-Index giảm gần 6 điểm trước sức ép từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Ảnh: Phương Lâm. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch kém sắc trong ngày 26/3. Dù nỗ lực nới rộng khoảng cách với tham chiếu đầu phiên, động lực này nhanh chóng tiêu tan và khiến chỉ số chính VN-Index lao dốc.
Trong phiên chiều, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm khiến VN-Index đánh mất điểm tựa. Dòng tiền nhập cuộc cũng tỏ ra thận trọng và lựa chọn phương án đứng ngoài quan sát.
Kết phiên, VN-Index giảm 5,83 điểm (-0,44%) xuống 1.326,09 điểm; HNX-Index giảm 3,23 điểm (-1,32%) xuống 241,33 điểm; UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,32%) xuống 98,85 điểm.
Việc thiếu vắng dòng tiền đi kèm không khí giao dịch trầm lắng khiến thanh khoản trên cả 3 sàn “hụt hơi” và giảm xuống còn 20.500 tỷ đồng.
Bảng điện tử hôm nay nghiêng về sắc đỏ với 406 mã giảm (gồm 10 mã giảm sàn), 862 mã giữ tham chiếu và 341 mã tăng (gồm 15 mã tăng trần).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 19 mã giảm, 4 mã giữ tham chiếu và 7 mã tăng, chỉ số đại diện rổ theo đó giảm hơn 7 điểm xuống còn 1.381 điểm.
![]() |
Thị giá FPT chạm đáy 7 tháng. Ảnh: TradingView. |
Với biên độ giảm lên tới 2,8% hôm nay, cổ phiếu FPT dẫn đầu nhóm "đạp trụ" VN-Index cùng với CTG (-1,3%), VCB (-0,6%), LPB (-1,6%), MBB (-0,8%), VPB (-0,8%), BID (-0,4%), TPB (-2%), SSI (-1,5%) và KDH (-2,3%).
Nhịp giảm hôm nay khiến FPT rơi xuống mức 123.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất 7 tháng qua. So với đỉnh lịch sưtr, thị giá FPT đã giảm 21%.
Vốn hóa của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cũng thu hẹp xuống ngưỡng 180.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm ròng 46.000 tỷ đồng so với đỉnh lịch sử.
Ngoài FPT, các cổ phiếu ngành công nghệ, viễn thông khác như CMG (-3,3%), CTR (-5,6%), YEG (-1%), TTN (-4,2%) cũng bị bán mạnh hôm nay.
Đáng chú ý, trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, PYN Elite Fund - quỹ đầu tư đến từ Phần Lan với danh mục trị giá hơn 813 triệu EUR tính đến cuối tháng 2 - nhận định cổ phiếu công nghệ FPT và CMG đã tăng trưởng vượt xa lợi nhuận của chính các công ty này năm 2024.
Quỹ đã quyết định chốt lời những khoản đầu tư này do đà tăng của những năm gần đây chủ yếu tập trung vào cổ phiếu công nghệ và nhiều thị trường chứng khoán khác cũng hưởng lợi từ xu hướng này.
“Một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm có thể nhận ra mức giá đã bị đẩy lên cao và định giá trở nên quá đắt đỏ, từ đó giảm rủi ro bằng cách hiện thực hóa lợi nhuận ở những vị thế như vậy”, ông Petri Deryng, người đứng đầu quỹ PYN Elite Fund, nhận định.
Trước đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng diễn biến giá cổ phiếu FPT nói riêng và cổ phiếu công nghệ Việt Nam nói chung gắn chặt với xu hướng cổ phiếu công nghệ tại Mỹ, được dẫn dắt bởi Nvidia.
Sau quãng thời gian tăng trưởng vượt bậc, câu chuyện DeepSeek và việc định giá nhóm cổ phiếu công nghệ tại Mỹ, Việt Nam lên mức rất cao đã tạo áp lực chốt lời mạnh mẽ.
Với trường hợp của FPT, xu hướng này đến từ 2 yếu tố, gồm định giá đang neo cao (P/E lên gần 30 lần, còn P/B lên sát 7,5 lần) và làn sóng giảm tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài.
Hôm nay, khối ngoại cũng bán ròng hơn 500 tỷ đồng, bao gồm 300 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu FPT. Tính từ đầu năm, nhóm nhà đầu tư này đã bán ròng gần 6.700 tỷ đồng giá trị FPT.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.