Theo Sohu, năm 2017, ông Lưu, ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, đến một ngân hàng ở địa phương để gửi tiết kiệm 180.000 NDT (hơn 633 triệu đồng). Lúc đó, giao dịch viên cho biết ngân hàng đang triển khai gói tiền gửi kỳ hạn 5 năm với lãi suất 6,9%, nếu ông Lưu gửi tiết kiệm sẽ nhận được khoản tiền lớn sau khi đáo hạn. Nghe vậy, ông cụ này không suy nghĩ mà đồng ý ngay.
Đến năm 2022, ông Lưu đến ngân hàng rút tiền thì được nhân viên thông báo: “Tài khoản của chú không có đồng nào.”
Nghe vậy, ông Lưu lo lắng hỏi lại: “Tại sao lại không có đồng nào? Tôi đã rút tiền bao giờ đâu?”
Lúc đó, giám đốc ngân hàng cũng có mặt. Nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề, người này lập tức yêu cầu nhân viên kiểm tra kỹ lại thông tin, bởi nếu ông cụ đã rút số tiền 180.000 NDT thì chắc chắn phải có dữ liệu lưu lại. Kỳ lạ thay, không có dữ liệu nào cho thấy ông Lưu từng rút tiền trước đây. Vậy số tiền tiết kiệm của ông Lưu biến mất như thế nào?
Hoá ra, khi giám đốc ngân hàng yêu cầu nhân viên kiểm tra thêm những giao dịch khác của ông Lưu, họ phát hiện tiền gửi của ông cụ này không hề mất đi mà đã được dùng để mua bảo hiểm hưu trí trọn đời.
Ông Lưu khẳng định ông chưa từng chi tiền mua bảo hiểm và sự việc trên có thể do nhân viên ngân hàng đã âm thầm thực hiện. Theo lời kể của ông cụ này, vì ông không nắm rõ cách thức để gửi tiền nên đã nhờ nhân viên ngân hàng trợ giúp. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ông, nhân viên này đã biến số tiền gửi tiết kiệm 180.000 NDT thành hợp đồng bảo hiểm. Không lâu sau khi giúp ông Lưu gửi tiền, người này cũng đã nghỉ việc.

Ảnh minh hoạ: Internet
Trong vụ việc này, ông Lưu cho rằng sai phạm thuộc về nhân viên cũ của ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng với tư cách là một tổ chức tài chính cũng phải chịu trách nhiệm khi sổ tiết kiệm của ông đã “biến” thành hợp đồng bảo hiểm sau 5 năm. Ông Lưu sau đó đã kiện ngân hàng ra tòa để đòi lại số tiền đã mất.
Căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, toà án địa phương cho rằng việc ông Lưu không biết hợp đồng mình ký là hợp đồng bảo hiểm nên nó không có giá trị pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
Về phía ngân hàng, đơn vị này cho rằng người sai là nhân viên làm thủ tục cho ông Lưu. Đây là hành vi của cá nhân, không liên quan đến ngân hàng. Tuy nhiên, họ vẫn đồng ý trả lại số tiền gốc 180.000 NDT cho ông Lưu. Dẫu vậy, phương án này không được ông Lưu đồng ý. Ông cụ này cho rằng ngân hàng ngoài việc trả lại số tiền gốc cho ông thì còn phải trả thêm cả tiền lãi nữa.
Sau khi xem xét kỹ vụ việc, toà án địa phương tuyên bố ngân hàng và công ty bảo hiểm liên quan phải cùng nhau bồi thường khoản lãi tiết kiệm cho ông Lưu. Khoản tiền này sẽ được tính theo lãi suất vào thời điểm ông Lưu gửi tiền. Vụ việc kết thúc tại đây.
Qua vụ việc này, toà án Trung Quốc cũng khuyến cáo người dân khi tham gia các giao dịch tại ngân hàng cần đọc kỹ và xác nhận mọi thông tin về sản phẩm tài chính mà mình sẽ sử dụng với ngân hàng để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo. Đặc biệt, các ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính cũng cần siết chặt hơn nữa những quy định có liên quan để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tiếp diễn những trường hợp tương tự.
(Theo Toutiao)