Năm 2022, anh Vương (Hồ Nam, Trung Quốc) đã mua bảo hiểm an ninh tài khoản ngân hàng do lo ngại lừa đảo qua điện thoại từ một công ty bảo hiểm. Gói bảo hiểm này sẽ chi trả bồi thường trong trường hợp tài khoản cá nhân và tài khoản của người thân gia đình bị đánh cắp, mất mát tài sản do tội phạm viễn thông.
Tháng 4/2023, người đàn ông này nhận được một cuộc gọi từ người tự xưng là cảnh sát từ Cục An ninh địa phương với lý do tài khoản ngân hàng anh Vương bị tình nghi rửa tiền. Tin rằng đó là cảnh sát do người này nêu đúng các thông tin cá nhân cũng như gửi giấy triệu tập, anh Vương đã “hợp tác điều tra” bằng cách chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản đối phương.
Sau đó anh Vương mới biết mình bị lừa, vội vàng trình báo lên cơ quan chức năng địa phương ngay trong ngày. Cảnh sát xác định anh Vương bị lừa 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) và cần thời gian để điều tra, thu hồi số tiền. Trong thời gian này, anh Vương nộp đơn yêu cầu bồi thường từ công ty bảo hiểm.

Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên công ty này lại từ chối bồi thường với lý do trường hợp bị lừa đảo của anh Vương không nằm trong diện được chi trả trong hợp đồng. Công ty nhắc anh Vương đọc lại bảo hiểm đã ký, trong đó nêu công ty sẽ bồi thường trong trường hợp “Tội phạm sử dụng điện thoại, tin nhắn, tài khoản mạng xã hội để thiết lập các vụ lừa đảo, gian lận từ xa, trực tiếp đánh cắp tiền mà không tiếp xúc với nạn nhân nhằm mục đích dụ dỗ thực hiện thanh toán hoặc chuyển khoản”.
Một điều khoản khác trong hợp đồng này cũng quy định: “Công ty bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm trong trường hợp tài khoản ngân hàng bị đánh cắp, mất tiền có sự can thiệp cố ý hoặc sơ suất của người được bảo hiểm”. Trong trường hợp của anh Vương, phía công ty cho rằng anh Vương đã trực tiếp tiếp xúc và bị tội phạm dụ dỗ thực hiện hành vi chuyển khoản dẫn đến mất tiền. Như vậy là vi phạm điều khoản trong hợp đồng nên sẽ không được bảo hiểm chi trả.
Không chấp nhận câu trả lời từ phía công ty bảo hiểm, anh Vương đã kiện công ty này ra toà. Toà án cho rằng điều khoản trong hợp đồng đã giới hạn hành vi lừa đảo qua điện thoại chỉ bao gồm “bị tội phạm đánh cắp tiền, không trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân” là không hợp lý.

Ảnh minh hoạ
Theo Luật Bảo hiểm Trung Quốc, các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm phải được xây dựng theo hiểu biết chung, có lợi cho bên được bảo hiểm bảo vệ. Lừa đảo qua điện thoại theo cách hiểu chung bao gồm cả tình huống nạn nhân bị lừa chuyển tiền, bị chiếm đoạt mật khẩu dẫn đến mất mát tài sản.
Việc công ty từ chối bồi thường với lý do anh Vương tự mình sơ suất chuyển khoản là không có căn cứ. Bên cạnh đó, khi bán bảo hiểm cho khách hàng, công ty phải tư vấn, giải thích rõ nội dung hợp đồng đồng thời lưu ý với khách về các tình huống miễn trừ.
Chính vì vậy toà án sơ thẩm ra phán quyết công ty bảo hiểm phải bồi thường anh Vương 100.000 NDT (hơn 350 triệu đồng). Công ty bảo hiểm đã đệ đơn kháng cáo nhưng không thành.
Cơ quan chức năng Trung Quốc nhắc nhở người dân khi mua bảo hiểm cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ để tránh xảy ra tranh chấp trong tương lai, đồng thời sẵn sàng lên tiếng khi quyền và lợi ích không được bảo vệ như cam kết.