Nhắc tới xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, mọi người sẽ nhớ ngay tới đặc sản cam sành Hàm Yên. Loại cam sành này đã giúp cho người dân nơi đây làm giàu bền vững.
Xã Phù Lưu là xã có diện tích trồng cam lớn nhất tỉnh, với hơn 1.800ha, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 15.000 tấn quả, doanh thu gần 200 tỷ đồng.
Cũng nhờ thương hiệu cam sành, xã Phù Lưu được biết đến là xã có đến 41 "tỷ phú chân đất”, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/hộ/năm – Thông tin đăng tải trên Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Xã Phù Lưu trở thành một trong những xã nghèo đã vươn lên làm giàu thành công, có nhiều "tỷ phú" trong xã.

Cam sành Hàm Yên giúp người dân làm giàu bền vững. (Ảnh minh hoạ)
Tác dụng của cam sành
Không chỉ có giá trị kinh tế cao, cam sành còn có nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ.
Theo nghiên cứu, cam sành Hàm Yên là loại cam có giá trị dinh dưỡng cao, chứa trên 10% hàm lượng đường, hàm lượng vitamin C từ 40 - 90mg/100g cam tươi.
Ngoài ra, cam sành Hàm Yên còn chứa các chất axit hữu cơ, trong đó có nhiều loại axit có hoạt tính sinh học cao cùng các chất khoáng và dầu thơm. Cam sành cũng lọt vào top 10 loại quả giá trị bậc nhất Việt Nam.
Thường xuyên ăn cam giúp tăng cường sức khoẻ, sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, bệnh mạn tính không lây, ung thư…
Tinh dầu vỏ quả và tinh dầu hoa cam có tác dụng kháng khuẩn mạnh, giúp xua đuổi côn trùng.
Bác sĩ, lương y Nguyễn Hữu Trọng, Hội Nam Y Việt Nam cho biết, trong Y học cổ truyền quả cam có vị chua ngọt, tính mát có tác dụng bổ dưỡng, chỉ khát sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt, lợi tiểu. Lá và vỏ quả có vị the thơm, tính ấm có tác dụng tiêu đờm thông khí trệ, kích thích tiêu hóa, mạnh tỳ vị.
Trong Y học cổ truyền, tất cả các bộ phận của cây cam đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ.
- Lá và vỏ quả có thể chữa tỳ vị suy yếu, ho nhiều đờm, ngày dùng 8-12g tán bột hoặc sắc uống.
- Dịch lá non (nước vắt từ lá non) có thể chữa tai chảy nước vàng, hoặc tai chảy máu, chảy mủ.
- Hoa cam hãm nước uống giúp dịu thần kinh, nước cất hoa cam dùng để pha chế thuốc theo đơn.
- Vỏ quả cam hãm nước uống giúp kích thích ăn ngon miệng và cải thiện tiêu hóa, làm dịu tình trạng đau dạ dày, đầy bụng, ợ chua. Vỏ quả tươi sát vào da mặt có thể giúp chữa mụn trứng cá.
- Quả hay nước ép cam có thể chữa cơ thể mệt mỏi, giải khát, giải nhiệt và táo bón. Ăn 1-2 quả cam tươi hay uống 80-100g nước ép một ngày. Ngoài ra nước cam vắt còn có thể giúp giải nhiệt, trị sốt, cảm cúm, ho.
Tại Ấn Độ, nước cam vắt còn được dùng cho người bị đau mật, tiêu chảy ra mật và dùng để khử độc. Ăn cam trong 3 ngày có tác dụng như uống một liều thuốc "tẩy độc" cho cơ thể.
Một số bài thuốc hay từ cam
- Kích thích tiêu hóa, mạnh dạ dày, tiêu đờm: Lá hay vỏ cam (cạo bỏ cùi trắng) 12g ; Vỏ quýt (cạo bỏ cùi trắng) 8g; Vỏ bưởi (cạo bỏ cùi trắng) 8g. Tất cả sao vàng thơm tán bột mịn, ngày uống 1- 2 thìa cà phê chia uống 2 lần trong ngày. Với trẻ em, mọi người có thể giảm bớt liều lượng và trộn vào nước cháo cho trẻ ăn.
- Chữa háo khát, mệt mỏi, táo bón: Quả cam tươi vắt lấy nước uống trong ngày.
- Chữa phù sau khi đẻ: Vỏ thân cây cam dùng riêng, hoặc phối hợp với vỏ thân cây bưởi và vỏ thân cây chân chim, mỗi vị 12g sắc uống trong ngày.