Bất chấp sự phản đối của gia đình, ông Trương vẫn nhất quyết bỏ một số tiền lớn để mua một "miếng thịt lợn đá" chỉ sau một cái nhìn thoáng qua. Trong một lần tham gia hội chợ đá quý, giữa những viên rubi, thạch anh hay đá quý lấp lánh, ông Trương lại phải lòng một "miếng thịt lợn" trông có vẻ khá tầm thường. "Miếng thịt lợn" này được chào bán với cái giá khá cao, nhưng sau một hồi đôi co mặc cả, giá được chốt là 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỉ đồng), số tiền này tương đương giá trị một căn nhà ở vùng Tứ Xuyên, quê ông Trương.

Đá thịt lợn rất được săn đón ở Trung Quốc
Ngay sau đó, ông Trương đã về quê, bán căn nhà của mình để mua "miếng thịt lợn đá", trong sự ngạc nhiên xen lẫn tức giận của các thành viên trong gia đình. Ai cũng nói rằng ông đã "phát điên" rồi. Nhưng những gì diễn ra sau đó lại khiến mọi người phải nhìn ông Trương và cả "miếng thịt lợn đá" của ông với một ánh mắt khác.
Đá thịt lợn nói chung là đá trầm tích, được hình thành do tiếp xúc với các khoáng chất khác trong quá trình vận động địa chất. Bởi vì bề ngoài của nó có nhiều lớp "da", "mỡ" và "thịt nạc", trông giống như một miếng thịt lợn, vì vậy nó còn được gọi là "đá thịt lợn" hoặc "đá thịt lợn kho".
Trong giới sưu tập, đá quý là một phần rất quan trọng. Ngoài kim cương, hồng ngọc ở phương Tây, ngọc lục bảo và mã não được ưa chuộng ở phương Đông thì các loại đá hiếm, đá lạ cũng có số lượng người quan tâm đông đảo. Đá thịt không hiếm, nhiều địa phương tại Trung Quốc như tỉnh Sơn Đông, Chiết Giang và Giang Tây tìm thấy số lượng lớn loại đá này nhưng phải là đá tự nhiên mới có giá trị cao.

"Miếng thịt lợn" có giá 500.000NDT
Có một câu nói cổ của Trung Quốc rằng "sự khan hiếm làm nên giá trị", bắt nguồn từ tác phẩm "Bảo bối tử minh bản" của nhà văn đời Tấn Cát Hồng: "Tuy nhiên, đồ vật trở nên quý giá khi chúng khan hiếm, và rẻ khi chúng nhiều". Một thứ càng khan hiếm thì càng có giá trị, và một thứ càng phổ biến thì càng rẻ. Đây là một chân lý bất biến từ thời xa xưa và đặc biệt đúng trong thời đại ngày nay.
Trên thực tế, độ khó của việc làm giả và nhận dạng các vật phẩm sưu tầm khác nhau rất khác nhau. Nhìn chung, đá quý tự nhiên là loại khó làm giả nhất. Ngay cả với sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày nay, con người vẫn còn kém xa những kỳ quan của thiên nhiên. Ví dụ, "đá thịt lợn" chất lượng cao là một hiện vật rất khó làm giả.
Tương tự như vậy, "thịt lợn đá" cũng được chia thành nhiều cấp độ, "thịt lợn đá" chất lượng tốt nhất phải hoàn toàn tự nhiên và không có bất kỳ dấu vết đánh bóng nhân tạo nào. Một điều nữa là phải "giống thật". Càng chi tiết càng tốt, màu sắc của "thịt" phải hợp lý, kết cấu thị giác phải mềm mại, sự phân bố các "lớp thịt" phải phù hợp với đặc điểm tự nhiên, thậm chí sự phân bố các "lỗ chân lông" cũng phải nhìn thấy được. Đây là loại cao cấp nhất.

"Đá thịt lợn Đông Pha"
Ví dụ, Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Bắc có bộ sưu tập "Đá thịt lợn Đông Pha", được liệt kê là một trong ba bảo vật của bảo tàng. Đây là một trong 3 báu vật của Tử Cấm Thành từ thời Thanh, có nguồn gốc từ Nội Mông Cổ. Vua Khang Hy khi đó vô cùng yêu thích viên đá này, đặt nó trong phòng ngủ để ngắm nhìn nó mọi lúc.
"Miếng thịt đá" này giống hệt một miếng thịt lợn bình thường về kết cấu và thớ thịt, điều này thực sự rất hiếm. Ngày nay, các hiện vật gốc đã được đưa vào bộ sưu tập có mức độ bảo vệ cao nhất và những gì du khách có thể thấy trong bảo tàng chỉ là bản sao chất lượng cao với tỷ lệ 1:1.
Trong một chương trình thẩm định kho báu, ông Trương cũng mang "tảng thịt lợn đá" của mình tới tham dự. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, các chuyên gia đã nhận định rằng nó có kết cấu rất tốt. Ông Trương kể lại rằng để có được miếng "thịt lợn" này, ông ta đã bán nhà ở quê và mua nó với giá 500.000 NDT. Bởi vậy, ông mang "bảo bối" của mình đến chương trình để hỏi các chuyên gia xem số tiền bỏ ra có đáng không.

Kết cấu của "đá thịt lợn" gây nhạc nhiên bởi giống thật tới từng chi tiết
Khi khán giả nghe rằng người đàn ông đã bán ngôi nhà của mình để đổi lấy một viên đá, tất cả đều trở nên quan tâm và muốn xem chuyên gia sẽ trả lời thế nào. Sau khi nghiên cứu cẩn thận một hồi, vị chuyên gia nói: "Anh thật là can đảm khi đổi 500.000 NDT lấy thứ này."
Các chuyên gia cho biết: Những "tảng thịt đá" chất lượng cao rất hiếm, nhiều viên đã được đánh bóng hoặc thêm vào và chạm khắc nhân tạo, nhưng những người có chuyên môn tốt vẫn có thể nhìn thấy chúng. "Miếng thịt" của ông Trương đã được cắt nhỏ, nhưng nhìn chung nó vẫn còn nguyên vẹn.
Sự sắp xếp của thịt rất hợp lý, các chi tiết về kết cấu cũng có chất lượng trung bình khá. Các chuyên gia cũng cho biết, đá thịt lợn rất dễ vỡ và dễ bị hư hỏng nếu không có biện pháp bảo vệ tốt, đồng thời đề xuất ông Trương hãy bán lại nó cho bảo tàng. Tuy nhiên, ông Trương đã từ chối và nói rằng muốn giữ lại "tảng thịt" này để làm bảo bối gia truyền.

Ông Trương tham gia chương trình thẩm định báu vật
Trong giới sưu tầm, muốn kiếm lời ổn định, cần phải có tầm nhìn phi thường. Người có tầm nhìn tốt có thể bỏ ra vài ngàn, vài chục ngàn tệ để mua bảo vật mang về nhà, còn người không có tiền thì dù có bỏ ra hàng trăm ngàn, hàng triệu tệ cũng chỉ mua được đồ giả. Với sự tiến bộ của công nghệ, phương tiện mà những người buôn đồ cổ hay buôn đá quý sử dụng để làm giả hiện vật cũng thay đổi theo từng ngày và có quá nhiều đồ giả trên thị trường.
Mức độ giả mạo của những sản phẩm này đến mức nào? Năm 1994, Bảo tàng Cố cung đã chi 800.000 nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỉ đồng) để mua một lô "Tượng gốm thời Bắc Ngụy". Sau khi được nhiều chuyên gia thẩm định và kiểm tra bằng carbon-14, không phát hiện ra bất thường. Mãi đến khi một lô "Tượng gốm thời Bắc Ngụy" khác xuất hiện trên thị trường, các chuyên gia mới nhận ra rằng những di vật văn hóa này là giả. Bởi vậy, đôi khi, để mua được một "báu vật", ngoài con mắt tinh tường, đôi khi còn cần một sự "xuống tiền" liều lĩnh!
Theo Sohu