Vingroup cam kết thu xếp toàn bộ vốn làm đường sắt tốc độ cao Cần Giờ

Vingroup mong TP.HCM sớm xem xét, phê duyệt để triển khai đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối quận 7 với Cần Giờ.

Một phần huyện Cần Giờ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) vừa gửi văn bản đến Sở Tài chính TP.HCM, báo cáo đề xuất liên quan đến việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối quận 7 với huyện Cần Giờ.

Trong văn bản, Vingroup nhấn mạnh mô hình hợp tác công tư (PPP) có nhiều ưu thế vượt trội so với phương thức đầu tư công truyền thống.

Theo phân tích của Vingroup, hình thức PPP giúp phân bổ hợp lý chi phí chuẩn bị đầu tư giữa khu vực công và tư. Nhà đầu tư tư nhân không chỉ tham gia từ giai đoạn lập kế hoạch, thiết kế đến đánh giá dự án mà còn góp phần giảm áp lực tài chính cho Nhà nước. Ngoài ra, sự tham gia của tư nhân có thể tối ưu hóa chi phí nhờ kinh nghiệm và hiệu quả trong quản lý.

Ngược lại, với phương thức đầu tư công, toàn bộ chi phí từ nghiên cứu khả thi đến lập kế hoạch đều do Nhà nước chịu trách nhiệm, dễ tạo gánh nặng cho ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế.

Theo Vingroup, đầu tư PPP sẽ tận dụng được nguồn vốn từ khu vực tư nhân, bao gồm vốn trong nước và quốc tế. Các nhà đầu tư tư nhân có thể huy động vốn thông qua vay ngân hàng, phát hành trái phiếu hoặc vốn cổ phần, làm tăng tính linh hoạt trong tài trợ dự án.

Về công nghệ, nhà đầu tư tư nhân thường mang theo công nghệ tiên tiến và hiện đại để đảm bảo hiệu quả và lợi nhuận của dự án. Điều này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng hoặc y tế, nơi công nghệ đóng vai trò then chốt.

Đối với khả năng thực hiện dự án, sự tham gia của tư nhân giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhờ động lực lợi nhuận và khả năng quản lý hiệu quả. Hợp đồng PPP cũng ràng buộc trách nhiệm cụ thể, hạn chế tình trạng chậm trễ hoặc đội vốn như thường thấy trong đầu tư công.

Từ các vấn đề nêu trên, Vingroup đề xuất đầu tư dự án theo hình thức PPP, bởi sẽ vượt trội hơn đầu tư công ở khả năng huy động vốn đa dạng, ứng dụng công nghệ hiện đại, quản lý chuyên nghiệp và thực hiện dự án hiệu quả.

Tập đoàn đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Theo đó, Vingroup sẽ chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ vốn để thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành trong suốt thời hạn của dự án trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tuyến đường sắt sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, với chiều dài khoảng 48,5 km. Tốc độ thiết kế tối đa là 250 km/h, với 2 ga chính dự kiến đặt tại Cần Giờ và quận 7.

Vingroup cho biết tập đoàn đã có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn với tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, đồng thời luôn nằm trong nhóm các doanh nghiệp có tổng tài sản, doanh thu và mức đóng góp ngân sách Nhà nước cao nhất. Tập đoàn bày tỏ mong muốn tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước và riêng TP.HCM, đặc biệt trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị.

Theo tập đoàn, tuyến đường sắt này không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ mà còn tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch, đầu tư và nâng cao chất lượng sống của người dân. Do đó, Vingroup mong muốn được chính quyền TP.HCM xem xét và sớm chấp thuận để triển khai dự án.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.