KOL ảo, đối thủ đáng gờm của KOL thật?

Hàng trăm KOL (người có sức ảnh hưởng tới quan điểm tiêu dùng) ảo được xây dựng nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) đang hoạt động “rộn ràng” trên thị trường marketing. Liệu KOL thật có e ngại sẽ bị “thay thế” bởi KOL ảo?

Quản trị

KOL ảo, đối thủ đáng gờm của KOL thật?

Khánh Hưng • 11/5/2024 12:00

Hàng trăm KOL (người có sức ảnh hưởng tới quan điểm tiêu dùng) ảo được xây dựng nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) đang hoạt động “rộn ràng” trên thị trường marketing. Liệu KOL thật có e ngại sẽ bị “thay thế” bởi KOL ảo?

Theo khảo sát của Forbes, nhãn hàng sẽ thu lại khoảng 5,78 USD cho mỗi 1 USD đầu tư vào KOL (mức lợi nhuận, khoảng 478%). Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều thương hiệu lớn sẵn sàng chi mạnh tay cho KOL.

kol-ao-vi-an-chup-cung-cap-vo-chong-dn-at.jpg

Cô nàng tóc hồng Aitana Lopez với hơn 200.000 người theo dõi trên Instagram, người mẫu ảo Kaki - đối tác của H&M, Miquela - ca sĩ từng phát hành nhạc trên Spotify, góp mặt trong các MV ca nhạc là những cái tên không còn xa lạ với công chúng khi nhắc về KOL ảo.

Vi An - KOL ảo của Việt Nam, có kênh Instagram hơn 38.000 lượt theo dõi, xuất hiện tại nhiều sự kiện và tạo ấn tượng lớn với một bộ phận công chúng. Mới đây, cô “tham dự” Hội nghị Di động thế giới 2024 cùng với các KOL “bằng da bằng thịt” như Long Chun, Kim Cương… và gây sốt với bộ hình hợp tác chung với cặp vợ chồng Anh Tú - Diệu Nhi.

Vượt KOL người thật

KOL từ AI đều có thể thiết kế riêng theo thị hiếu của khách hàng. Trong khi người thật luôn phải giữ nguyên tắc về hình thể, sắc vóc thì nhờ công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI), KOL ảo không bị hạn chế bởi tuổi tác hay bất kỳ yếu tố nào khác. Với hàng loạt yêu cầu về ngoại hình đến từ nhãn hàng, nó dễ dàng biến hoá phù hợp với đa dạng phong cách. Thậm chí, nhờ tiếp cận phương pháp dựa trên dữ liệu, KOL loại này còn dễ dàng có được sự ưa thích của đa số công chúng, “hợp mắt” với đa dạng lứa tuổi khách hàng.

Chẳng hạn, Ling - KOL ảo làm “dậy sóng” thị trường Trung Quốc khi kết hợp với thương hiệu như Tesla, Vogue, Nayuki. Sự thành công của Ling đến từ thiết kế bề ngoài quá hoàn hảo khi kết hợp vẻ đẹp truyền thống Trung Quốc với phong cách thời trang đường phố đương đại, mà điều này ở một cô KOL người thật quả là “hiếm có khó tìm”. Điều này không những giúp các nhãn hàng chinh phục khách hàng thế hệ Z, mà còn không làm “phật lòng” những khách hàng lớn tuổi của thị trường 1,4 tỷ dân.

KOL từ AI dần chiếm trọn ưu tiên của nhiều nhãn hàng bởi “đời tư trong sạch”. Không ít thương hiệu lớn phải cất poster, gỡ hình quảng cáo vì KOL người thật đã thuê (thậm chí đã thuê từ vài năm trước) dính scandal. Mới đây, một ca sĩ nữ của nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc (từng có show lưu diễn tại Việt Nam) bị các thương hiệu lớn do cô làm đại sứ như Bulgari, Celine gỡ hình khỏi các trang mạng vì trình diễn thoát y. Chưa đánh giá việc cô nàng làm là đúng hay sai, nhưng các nhãn hàng vẫn phải “ngậm ngùi” ẩn đi toàn bộ hình ảnh hợp tác với cô, bởi không thể xoa dịu làn sóng tẩy chay từ cộng đồng mạng. Có thể thấy, dù có tính toán kỹ lưỡng trước khi “chọn mặt gửi vàng”, gương mặt thương hiệu người thật vẫn là một lựa chọn mạo hiểm. Ngược lại, với “lý lịch” trong sạch, thái độ làm việc hoàn hảo và dễ kiểm soát, khiến KOL ảo trở thành phương án ưu tiên đối với nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, KOL ảo giúp nhãn hàng tạo được đột phá hiệu quả trong khi tiết kiệm được chi phí lớn.

Thay thế có diễn ra?

Theo tờ Adweek, hiện có hơn 200 KOL ảo hoạt động trên thế giới. Liệu thị trường sáng tạo nội dung của KOL người thật với ước tính trị giá lên tới 25 tỷ USD, có thực sự bị đe doạ?

Có hai luồng ý kiến về sự thay thế này. Một bên cho rằng, cạnh tranh nếu có thì trước mắt sẽ không quá khốc liệt, vì về cơ bản, KOL ảo vẫn còn rất nhiều hạn chế như tính bảo mật, quyền riêng tư... Mặt khác lại cho rằng, do khác biệt về bản chất, KOL ảo và thật sẽ không cạnh tranh mà còn có thể kết hợp trên các chương trình truyền thông và tạo nên nhiều chuyện thú vị.

Đúng là KOL ảo đang bổ sung thêm sự lựa chọn cho doanh nghiệp trong các đợt tiếp thị, hoặc kết hợp qua lại giữa người thật - người ảo, chứ không phải thay thế hoàn toàn. Không đâu xa, có nhãn hàng tại Việt Nam đã thành công trong mô hình kết hợp này. Chương trình “Tóc Tiên A.I Clear Head” quảng cáo dầu gội đầu của Clear đã gây bất ngờ vì tạo ra cô “Tóc Tiên ảo” giống đến 95% so với bản gốc. Cả hai đã mang về những hiệu quả ấn tượng như 1,1 triệu lượt tương tác, 53% mức độ thảo luận tích cực về nhãn hàng. Ngoài sự kết hợp ăn ý của “hai cô” Tóc Tiên kể trên, KOL ảo Imma kết hợp cùng cầu thủ Đoàn Văn Hậu và DJ Mie trong đợt quảng cáo của Vivo, Vi An kết hợp với cặp vợ chồng Anh Tú - Diệu Nhi là tiền đề mở ra cho nhiều màn kết hợp tiềm năng.

Bà Renae Gregoire - chuyên gia tư vấn doanh nghiệp B2B chia sẻ trên Forbes rằng: “Thay vì cản trở sự sáng tạo của KOL thật, KOL ảo đang giúp cho doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn, giúp họ tập trung vào chiến lược kinh doanh và đổi mới, sáng tạo nhờ khả năng vượt trội trong phân tích dữ liệu và dự báo xu hướng. KOL từ AI hay con người thật đang và sẽ bổ sung cho nhau, tạo sự cộng sinh để tăng hiệu quả quảng cáo nhãn hàng”.

Theo một nghiên cứu của Kantar, với sự tham gia của Kuki (một KOL ảo được tạo ra bởi công ty AI D-ID), quảng cáo nhãn hàng H&M đã đạt được số lượng người tiếp cận nhiều hơn 11 lần và giảm 91% chi phí cho mỗi người ghi nhớ quảng cáo so với sử dụng KOL người thật như thông thường. Các nhãn hàng còn có thể tiết kiệm khoản theo dõi hiệu suất, tối ưu hoá chiến dịch quảng cáo trong từng thời điểm thực nhờ sự thông minh của AI.