Viễn cảnh về sự sụp đổ của thị trường

Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi, liệu hệ thống tài chính thế giới hoạt động ra sao và nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính chúng ta như thế nào? James Rickards, với kinh nghiệm 35 lăn lộn tại Wall Street, làm cố vấn kinh tế quốc tế và các mối đe dọa về tài chính của Bộ Quốc phòng Mỹ, Cộng đồng Tình báo Mỹ và rất nhiều tổ chức khác đã cung cấp một kho thông tin về các ngân hàng trung ương, ngân hàng quốc tế, tiền thực sự là gì, IMF, lịch sử tài chính, các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai c...

Sự sụp đổ của thị trường

Viễn cảnh thị trường sụp đổ phụ thuộc vào rủi ro hệ thống, không phụ thuộc vào chính sách kinh tế nền tảng. Rủi ro thị trường sụp đổ bị phóng đại bởi trình độ quản lý, điều hành kém cỏi và sự tham lam của các ngân hàng. Lý thuyết về độ phức tạp chính là công cụ thích hợp để phân tích rủi ro này.

Trong quá trình phân tích này, bước đầu tiên, chúng ta phải hiểu rằng các thị trường vốn bao gồm cả bốn đặc tính đặc trưng của những hệ thống phức tạp: (i) cơ quan đoàn thể đa dạng, (ii) không có tính kết nối, (iii) phụ thuộc lẫn nhau và (iv) hành vi có tính thích nghi. Việc kết luận rằng thị trường vốn là hệ thống phức tạp có rất nhiều ý nghĩa đối với công tác điều hành và quản trị rủi ro.

Ý nghĩa thứ nhất, công cụ thích hợp để đo lường rủi ro là tổng giá trị giả định của chứng khoán phái sinh, không phải giá trị thuần. Tổng quy mô vị thế chứng khoán phái sinh của tất cả các ngân hàng hiện nay là trên 650 nghìn tỉ đô-la, cao gấp hơn 9 lần GDP toàn cầu.

Thi truong anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Reynaldo #brigworkz Brigantty/Pexels.

Ý nghĩa thứ hai, bi kịch lớn nhất có thể xảy ra trong một hệ thống phức tạp là một hàm số mũ phi tuyến tính của quy mô hệ thống. Điều này nghĩa là, khi quy mô hệ thống mở rộng gấp đôi hoặc gấp ba, rủi ro đứng trước thảm họa sẽ tăng lên theo thừa số của 10 hoặc 100. Đây cũng chính là lý do những bài kiểm tra mức độ căng thẳng dựa trên các sự kiện lịch sử như 9/11 hay 2008 hoàn toàn không có giá trị, vì quy mô hệ thống không đồng nhất sẽ dẫn đến rủi ro hệ thống không đồng nhất.

Giải pháp cho rủi ro hệ thống này thực ra lại đơn giản đến không ngờ. Nhiệm vụ trước mắt là đóng cửa các ngân hàng lớn và cấm giao dịch phần lớn chứng khoán phái sinh. Các ngân hàng lớn không cần thiết đối với nền tài chính toàn cầu.

Khi cần đến những khoản tiền lớn, một ngân hàng chủ trì có thể đứng ra tổ chức nghiệp đoàn ngân hàng, như từng làm trong quá khứ đối với các dự án hạ tầng khổng lồ như đường ống Alaska, những đoàn tàu chở dầu cực lớn và những chiếc Boeing 747 đầu tiên.

Lợi ích của việc đóng cửa ngân hàng không phải là loại bỏ được nguy cơ ngân hàng làm ăn thất bại, mà là sự thất bại đó sẽ không trở thành mối nguy hiểm nữa. Cái giá phải trả cho nó sẽ nằm trong khả năng kìm hãm được và không thể “di căn” đến mức đe dọa toàn hệ thống.

Trường hợp cấm giao dịch phần lớn chứng khoán phái sinh thậm chí còn dễ hiểu hơn nữa. Trên thực tế, chứng khoán phái sinh không có ích lợi gì ngoài việc làm giàu cho các chủ nhà băng nhờ giá cả mù mờ và lừa gạt các nhà đầu tư thông qua hạch toán ngoại bảng.

Bất kể những chiến lược giải tán ngân hàng lớn hay cấm chứng khoán phái sinh có mang lại lợi ích gì chăng nữa thì khả năng để chúng trở thành hiện thực cũng bằng 0. Vì các nhà quản lý đang sử dụng những mô hình đã lỗi thời hoặc dựa vào mô hình của chính ngân hàng, bất chấp việc chúng không thể nhận diện được rủi ro hệ thống. Quốc hội sẽ không hành động bởi vì nhìn chung, ông nghị bà nghị nào cũng bị trói buộc bởi những khoản tiền mà các ngân hàng đổ vào hoạt động chính trị.

Rủi ro từ phía ngân hàng và chứng khoán phái sinh sẽ không ngừng tăng lên và lần sụp đổ tiếp theo sẽ diễn ra ở một phạm vi chưa từng có, vì quy mô hệ thống đã đạt đến mức lớn nhất từ trước đến nay.

Các nguồn lực của Cục Dự trữ Liên bang đã gần như không thể ngăn chặn một đợt sụp đổ toàn diện trong năm 2008, vì vậy chúng ta nên chuẩn bị tinh thần cho một đợt sụp đổ còn lớn hơn thế sẽ chôn vùi bảng cân đối kế toán của FED. Trong một thời kỳ tương đối yên bình mà cơ quan này đã in tới hơn 3.000 tỉ đô-la thì trong cuộc khủng hoảng tương lai, việc in thêm 3.000 tỉ đô-la nữa hoàn toàn không khả thi về mặt chính trị.

Nhiệm vụ giải cứu thế giới sẽ đặt lên vai IMF, vì họ sẽ là định chế chính thức duy nhất sở hữu một bảng cân đối kế toán sạch sẽ. IMF sẽ đối phó bằng một đợt phát hành SDR quy mô cực lớn và thị trường tiền tệ này sẽ đặt dấu chấm hết cho vai trò là tiền tệ dự trữ hàng đầu của đồng đô-la.