Bỗng dưng cả phố quảng cáo... hút hầm cầu!

"Tôi chở người nhà đi chợ, thấy trụ điện, bờ tường nhan nhản số điện thoại của dịch vụ hút hầm cầu. Trước những căn nhà, trên mỗi trụ đèn lại có một tấm dán số y hệt nhau. Có bức tường bốn, năm tấm dán cùng một số"…

Số điện thoại 0896.415.666 liên quan đến vụ lừa hút hầm cầu (Tuổi Trẻ ghi nhận hai năm trước) tại lò dán bậy ở quận Phú Nhuận nay lại xuất hiện nhiều trở lại tại các tuyến đường, hẻm khác ở TP.HCM - Ảnh: C.T. - L.P.

Số điện thoại 0896.415.666 liên quan đến vụ lừa hút hầm cầu (Tuổi Trẻ ghi nhận hai năm trước) tại lò dán bậy ở quận Phú Nhuận nay lại xuất hiện nhiều trở lại tại các tuyến đường, hẻm khác ở TP.HCM - Ảnh: C.T. - L.P.

Từ phản ảnh của bạn đọc, Tuổi Trẻ ghi nhận thực tế việc dán bậy này.

Một mét vuông… bốn số điện thoại hút hầm cầu

Dọc các tuyến đường Lê Văn Sỹ, Trần Hữu Trang, Mai Văn Ngọc thuộc địa bàn quận 3, quận Phú Nhuận, trên cửa nhà dân đều có các tấm dán kích thước 3x5cm với các số điện thoại 0799.429.789, 0896.415.666 và 0868.336.229.

Ghi nhận tại đường Trần Hữu Trang, số điện thoại hút hầm cầu 0799.429.789 bủa vây từng cánh cổng nhà dân. Hầu như nhà nào cũng bị dán 3-4 tấm dán ngang dán dọc, nhiều khi người đi đường muốn tìm số nhà còn khó hơn số hút hầm cầu. Căn nhà 126 Trần Hữu Trang có bốn tấm dán, nhà số 124 cũng có ba tấm. Trên đường này, có thể thấy cảnh tượng "một mét vuông có bốn số điện thoại hút hầm cầu".

Chúng tôi gọi đến số 0799.429.789, đầu dây bên kia là một giọng nữ và xác nhận đây là số của dịch vụ hút hầm cầu. Người này nói công ty có cơ sở hẳn hoi, khi làm xong nếu cần sẽ xuất hóa đơn, giấy tờ đầy đủ. Công ty này tên gọi là "Môi trường gia đình thứ 2".

"Bên em thường tính theo xe, một xe nhỏ 2 - 2,5m3 giá 1,5 triệu đồng. Xe 3m3 hơn 3 triệu, xe lớn hơn tụi em cũng có. Cái này giá chung chung, thường phải khảo sát mới báo giá chuẩn được. Mà có khi bùn bị đặc thì phải cho nước đánh ra, thực tế khối lượng sẽ tăng thêm", người phụ nữ nói.

Khi liên hệ qua số 0896.415.666 và 0868.336.229 thì không có ai bắt máy. Khoảng 5 phút sau, số điện thoại 0961.651.460 gọi lại và xưng tên Tài, thuộc Công ty môi trường xanh Đại Phú, khẳng định các số lúc nãy là của anh ta. "Tôi thấy cuộc gọi nhỡ nên gọi lại hỏi", Tài nói.

Tài báo giá hút hầm nhỏ là khoảng 1,5 triệu đồng. Còn tính theo m3 dùng với nhà lớn, chung cư…, khoảng 800.000 đồng/m3. "Công ty môi trường xanh Đại Phú bên em rải hết tất cả các nơi ở TP.HCM, ở đâu cũng có", Tài khẳng định.

Vì sao chưa thể cắt số điện thoại dán bậy?

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã cung cấp một số tên công ty có đăng ký đưa bùn thải về nơi xử lý tập trung của TP, nhưng qua đối chiếu không có tên của hai công ty nói trên.

Còn ông Tạ Duy Thiện, trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Phú Nhuận, cho biết quận thường xuyên ra quân dọn dẹp, gỡ các tấm dán. Quận này cũng từng gửi các số điện thoại được dán bậy trên bờ tường cho Sở Thông tin - Truyền thông và các đơn vị viễn thông để xử lý.

"Các phường trong quá trình tuần tra an ninh trật tự cũng có bắt được một số trường hợp dán bậy nhưng đa số là sinh viên được thuê dán nên cũng khó xử lý hành chính, chủ yếu là yêu cầu tháo các tấm dán, trả lại hiện trạng ban đầu", ông Thiện nói.

Còn theo Phòng Văn hóa và Thông tin quận 3, việc phối hợp các đơn vị viễn thông để cắt số hiện chưa thực hiện. Tuy nhiên quận thường xuyên tổ chức dọn dẹp, tháo các tấm dán bậy trên đường phố, tuần tra xử lý những cá nhân dán bậy, vẽ bậy ở nơi công cộng. Tại quận đã có trường hợp bắt được và xử phạt hành chính.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiếp nhận, kiểm tra các thông tin mà báo Tuổi Trẻ phản ánh để có hướng xử lý cụ thể, phù hợp.

Số cũ, người từng bị phạt lại... tung hoành

Cuối năm 2022, Tuổi Trẻ đã từng có loạt bài điều tra về việc từ dán quảng cáo bậy đến lừa hút hầm cầu. Dựa theo giọng nói, thông tin trao đổi qua điện thoại, Tài chính là một trong số nhân vật đã bị Tuổi Trẻ phản ánh. Người này đã bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính, bắt khôi phục hiện trạng ở những chỗ đã dán bậy.

Lúc đó, Tài cùng một số người khác chuyên đi dán quảng cáo. Những người này đi dán cả ngày lẫn đêm (đa số là đêm khuya và rạng sáng). Các miếng dán có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, theo nhóm này thường gọi với tên "cáp lớn và cáp nhỏ". Số điện thoại 0896.415.666 của Tài chính là số hai năm trước Tuổi Trẻ đã ghi nhận được trong loạt bài điều tra.

Đứng sau Tài lúc đó là người tên Bờm. Họ hoạt động cá nhân, không có công ty cụ thể. Nhóm này sử dụng nhiều sim rác rồi in số dán lên tường, cổng nhà dân, trụ điện… Khi có khách cần dịch vụ, nhóm này sẽ tiếp nhận rồi chuyển lại cho một số công ty hút hầm cầu rồi hưởng "hoa hồng".

Từ phản ảnh của bạn đọc và qua việc Tuổi Trẻ đi thực tế cho thấy nạn dán bậy vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Số máy từng liên quan đến vi phạm, từng bị xử lý rồi nay lại tái xuất và tung hoành khắp phố phường. Cần có sự phối hợp xử lý nghiêm khắc hơn với chủ thuê bao vi phạm.

Dán vẽ bậy bị xử phạt ra sao?

Theo nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dán vẽ bậy sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng (đối với cá nhân vi phạm). Còn trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi và buộc tẩy, xóa, phục hồi hiện trạng, mỹ quan như ban đầu.

Riêng hoạt động cho vay lãi nặng (theo kiểu "tín dụng đen") từ việc dán quảng cáo trên tường, cột điện... là vi phạm pháp luật sẽ bị truy tố về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Mức phạt cao nhất đối với vi phạm này có thể bị phạt tiền đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 3 năm.

Đang dán quảng cáo hút hầm cầu lên cột đèn thì gặp công anĐang dán quảng cáo hút hầm cầu lên cột đèn thì gặp công an

Hai nam thanh niên chuyên dán quảng cáo hút hầm cầu vừa bị Công an phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM) xử phạt, đồng thời buộc phải cạo, gỡ những mẩu quảng cáo đã dán lên cột đèn.