Vietcap hé lộ tình hình của Vincom Retail sau khi Vingroup thoái vốn

Vincom Retail vẫn ký hợp đồng quản lý hoặc tư vấn hỗ trợ với Vingroup (khi cần thiết) và đảm bảo quyền lợi của các khách thuê, chủ gian hàng tại các trung tâm thương mại.

Vietcap dự báo doanh số và tỷ lệ lấp đầy khách thuê của Vincom Retail sẽ cải thiện trong các quý tiếp theo. Ảnh: VRE.

Công ty Chứng khoán Vietcap mới đây đã công bố báo cáo cập nhật về chiến lược phát triển/vận hành trung tâm thương mại (TTTM) của CTCP Vincom Retail (HoSE: VRE) sau kế hoạch thoái vốn của Vingroup (HoSE: VIC).

Theo đơn vị phân tích, sau khi đổi chủ, Vincom Retail vẫn ký hợp đồng quản lý hoặc tư vấn hỗ trợ với Vingroup (khi cần thiết) và đảm bảo quyền lợi của các khách thuê, chủ gian hàng tại các TTTM như đã cam kết trong các hợp đồng đã ký.

Tương tự, các dự án TTTM trong kế hoạch phát triển sẽ không có thay đổi về các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng mà Vincom Retail đã đặt cọc với Vingroup, cũng như Vinhomes (HoSE: VHM).

Theo báo cáo này, Vietcap cho biết Vincom Retail có 2 loại giao dịch chính với các bên liên quan đến Vingroup. Ngoài việc cho các bên liên quan thuê diện tích sàn bán lẻ còn có giao dịch cho các bên liên quan vay và đặt cọc phát triển dự án.

Với các khoản cho vay, tại thời điểm ngày 31/3, Vincom Retail cho vay các bên liên quan Vingroup số tiền 2.350 tỷ đồng, bao gồm khoảng 1.900 tỷ đồng cho VinFast vay và 450 tỷ đồng cho VinBus vay.

Trong giai đoạn năm 2022-2023, Vincom Retail cũng có các giao dịch cho vay đối với VinFast trung bình ở mức 2.400 tỷ đồng/quý. Tuy nhiên, tất cả khoản vay đều được thu hồi trong cùng một quý kinh doanh.

Bên cạnh đó, Vincom Retail cũng ghi nhận số dư tiền đặt cọc cho mục đích phát triển TTTM theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với Vingroup/Vinhomes là 12.200 tỷ đồng vào cuối quý I, tương đương tổng diện tích sàn bán lẻ trong kế hoạch phát triển ở mức 800.000 m2. Việc đặt cọc này chủ yếu cho cấu phần TTTM trong các dự án quy mô lớn gồm nhiều cấu phần mà quyền sở hữu pháp lý không được đưa về Vincom Retail.

Theo hợp đồng, Vincom Retail có trách nhiệm giải ngân chi phí phát triển cho cấu phần TTTM tại các dự án và sẽ nhận được toàn bộ lợi ích kinh tế trong tương lai từ cấu phần đó trong thời gian TTTM hoàn tất thi công và chưa được chuyển giao cho Vincom Retail. Khi thủ tục pháp lý được hoàn tất, Vingroup và Vinhomes sẽ chuyển giao TTTM cho Vincom Retail theo giá trị sổ sách.

Trong năm nay, các chuyên gia phân tích tại Vietcap dự báo lợi nhuận sau thuế, sau lợi ích cổ đông thiểu số của Vincom Retail đạt 4.200 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước do doanh thu bán bất động sản giảm.

Tuy vậy, đơn vị phân tích kỳ vọng doanh số và tỷ lệ lấp đầy khách thuê của Vincom Retail sẽ cải thiện trong các quý tiếp theo.

Trong quý I, Vincom Retail ghi nhận biên thu nhập hoạt động ròng (NOI) của mảng cho thuê và tỷ lệ lấp đầy giảm nhẹ so với cùng kỳ. Vietcap kỳ vọng đà phục hồi của chi tiêu tiêu dùng sẽ giúp lợi nhuận từ mảng cho thuê bán lẻ duy trì ổn định.

Ngoài ra, Vincom Mega Mall Grand Park với diện tích sàn cho thuê 45.200 m2, tỷ lệ lấp đầy đạt 87% tính đến tháng 4 và 3 TTTM Vincom Plaza đã sẵn sàng khai trương vào tháng 6 cũng sẽ đóng góp vào kết quả kinh doanh chung của Vincom Retail.

Tháng 4 trước đó, Tập đoàn Vingroup đã hoàn tất việc chuyển nhượng 100% vốn điều lệ trong Công ty SDI - đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh Thương mại Sado. Trong đó, Sado là cổ đông lớn nắm 41,5% vốn Vincom Retail. Sau giao dịch này, Công ty SDI, Công ty Sado và Vincom Retail đã không còn là công ty con của Vingroup.

Tuy vậy, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn là cổ đông lớn của Vincom Retail với tỷ lệ sở hữu còn lại 18,8%.